Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai với sạt lở đê biển Tây
20/07/2022TN&MTCà Mau đang huy động nguồn lực và các giải pháp hợp lý nhằm khắc phục hậu quả sạt lở đê biển Tây, đoạn từ bờ nam cống Kênh Mới đến bờ bắc cống Đá Bạc và khu vực Vàm Tiểu Dừa.
Khu vực kè áp mái gần Trạm kiểm soát Biên phòng Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) bị sóng dữ càn quét vào sáng 12/7.
Chiều 20/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử ký ban hành Quyết định hỏa tốc về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau, đoạn từ bờ nam cống Kênh Mới đến bờ bắc cống Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) và khu vực Vàm Tiểu Dừa (huyện U Minh). Ít nhất đây là lần thứ 5 trong 7 năm gần đây, Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp nêu trên liên quan đến tình trạng sạt lở đê biển Tây.
Tại các khu vực công bố tình huống khẩn cấp nêu trên hiện có 5 vị trí sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài gần 3.200m, tổng kinh phí thực hiện gần 37 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trong số những đoạn sạt lở trên, nghiêm trọng là khu vực từ bờ nam cống Kênh Mới đến bờ bắc cống Đá Bạc với tổng chiều dài hơn 2.600m, đai rừng còn rất mỏng và nhiều nơi không còn đai rừng phòng hộ, sạt lở làm hư hỏng kè rọ đá áp sát mái đê, xâm thực vào đến tận chân đê, uy hiếp an toàn đê biển và có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào. Đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt mưa dông kết hợp triều cường, sóng dữ vào ngày 11 và 12/7/2022. Thời điểm trên, sóng dữ vượt ngưỡng dâng cao khoảng 1,7m tràn qua dãy kè biển tấn công đê biển Tây. Tình trạng tương tự cũng xảy ra vào đầu tháng 8/2019 gây sạt lở nghiêm trọng nhiều vị trí ven đê biển Tây, buộc tỉnh Cà Mau khi đó phải ban bố tình huống hộ đê khẩn cấp.
Chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của tình trạng sạt lở tái diễn nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Trong đó, cần ưu tiên huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm. Thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp bước đầu hạn chế sạt lở và các biện pháp cần thiết khác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp, đồng thời phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh: Khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở; Tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan…
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để triển khai các công trình khẩn cấp ứng phó, khắc phục hậu quả do sạt lở. Chính quyền huyện Trần Văn Thời và U Minh có trách nhiệm: Vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm (phía ngoài đê); thông báo, cắm biến cảnh báo, biển giới hạn tải trọng xe…
Theo nhandan.vn