Bùi Thanh Quang: Nhân tố điển hình của “Khát vọng và đam mê” với chuỗi tuần hoàn nông nghiệp hữu cơ
29/09/2022TN&MTTrăn trở bởi các phụ phẩm nông nghiệp đang bị nông dân bỏ phí, thậm chí gây ô nhiễm môi trường, trong khi đây là nguồn tài nguyên tái tạo vô cùng quý giá, anh Bùi Thanh Quang (xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, Ninh Bình) đã tập trung nghiên cứu, chinh phục thành công công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh phân giải các phụ phẩm này. Từ đó giúp bà con nông dân xử lý môi trường, sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Câu chuyện nghỉ quan về làm nông
Khát vọng của Bùi Thanh Quang là trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội đồng hành cùng bà con nông dân trong toàn tỉnh Ninh Bình tạo ra chuỗi năng lượng tích cực từ việc sử dụng các men vi sinh, nấm đối kháng có lợi có sẵn trong tự nhiên. Điều này không chỉ làm sạch môi trường mà còn tạo cơ sở vững chắc để làm nên nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững cho tương lai từ các sản phẩm được tái tạo trong trồng trọt và chăn nuôi.
Năm 2014, từ cán bộ của UBND TP. Tam Điệp - Ninh Bình được điều động về nhận nhiệm vụ là Phó Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, rồi làm Giám đốc vào năm 2017. Thời điểm đó Nhà máy mới nhận bàn giao, mọi thứ còn mới mẻ, khó khăn với Bùi Thanh Quang. Nhưng trước nhiệm vụ lãnh đạo TP. Tam Điệp giao, Bùi Thanh Quang đã nhanh chóng đưa nhà máy vào vận hành và công việc xử lý xác thải, phân loại rác đi vào bài bản, đội ngũ nhân lực cũng được kiến tạo.
Anh Bùi Thanh Quang tâm sự: "Chuyên ngành đào tạo của mình không liên quan gì đến rác thải, khi mới được phân công nhiệm vụ mới "nửa mừng nửa lo". Mừng vì được thăng chức, lo vì nhiệm vụ mới chưa biết làm từ đâu. Bắt đầu công việc mới với biết bao ngỡ ngàng, dần dần nhờ lãnh đạo cấp trên và mọi người giúp đỡ, mình cũng đã bén duyên với nghề làm bạn với,… rác, yêu môi trường từ những ngày đó".
Quãng thời gian làm việc tại đây, anh Quang cùng mọi người ở nhà máy ăn, ngủ, nghỉ bên rác. Cả khu vực nhà máy rác thải từ khắp các huyện thị, thành phố Ninh Bình nơi đổ về. Mỗi ngày bình quân nhà máy tiếp nhận xử lý để ủ phân vi sinh và chôn lấp gần 300 tấn rác. Rác đưa về chưa kịp xử lý là mùi hôi thối nồng nặc, ruồi bọ bay khắp nơi. Người công nhân luôn phải căng mình làm việc để đảm bảo tiến độ xử lý rác, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường cho cư dân lân cận.
Bùi Thanh Quang cho biết: “Công việc tại nhà máy xử lý không chỉ vất vả về chuyên môn, kỹ thuật, xử lý vận hành máy móc, quản lý phương tiện,… mà mọi người làm việc tại đây luôn phải đối mặt với các ô nhiễm từ rác nên rất ảnh hưởng đến sức khỏe”. Gần 10 năm làm nhiệm vụ điều hành tại nhà máy, với biết bao dấu ấn, kỷ niệm với người dân, công nhân xử lý rác và đặc biệt là giây phút giao thừa đón xuân tại nhà máy và cùng công nhân căng mình thu gom những xe rác cuối cùng đưa về nhà máy để xử lý,…
Được biết, trong thời gian điều hành nhà máy và thực tế anh Quang và công nhân đã đưa ra những giải pháp cải tạo một số máy móc, thiết bị để phù hợp với điều kiện đặc thù của rác thải tại địa phương như: Cải tạo máy sàng phân vi sinh từ rác thải; cải tiến phương pháp chôn lấp rác để giảm nguy cơ gây cháy, giảm phát tán mùi hôi thối ra môi trường xung quanh; phối trộn phế thải chăn nuôi vào quá trình ủ phân để nâng cao chất lượng phân vi sinh được chế biến từ rác,… để hạn chế việc chôn lấp. Cách làm của Bùi Thanh Quang là phải biến rác thành tiền và tận dụng tối đa vòng đời của rác để hạn chế việc chôn lấp,…nhà máy đi vào hoạt động bài bản, đời sống của người công nhân được cải thiện, môi trường các huyện trên địa bàn tỉnh được xanh, sạch đẹp, đặc biệt là người dân có ý thức trong việc gom rác đúng nơi quy định.
Thật bất ngờ khi Bùi Thanh Quang thông báo đã xin nghỉ điều hành ở Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình để về làm nông dân, theo đuổi ước mơ làm sạch môi trường nông nghiệp, chăn nuôi.
Bước vào một thử thách mới
Anh Quang hướng dẫn, phổ biến cho nông dân cách ủ phân bằng chế phẩm sinh học và cách thực hiện mô hình tuần hoàn trong nông nghiệp
Nghỉ điều hành ở nhà máy được ít ngày, anh Bùi Thanh Quang bắt tay ngay vào các dự định của mình mà trước đó đã ấp ủ, đó là nghiên cứu để cho ra các chế phẩm sinh học bao gồm men vi sinh và nấm đối kháng Trichoderma giúp bà con nông dân xử lý môi trường trong chăn nuôi, sản xuất phân vi sinh từ phế thải chăn nuôi, trồng trọt. Được biết, chế phẩm mình nghiên cứu được tạo ra từ việc tổng hợp các vi sinh vật, nấm có ích trong môi trường tự nhiên. Các vi sinh vật này được nhân lên trong phòng thí nghiệm rồi nhân sinh khối trên giá thể là cám gạo và gạo lứt sau đó đưa ra sử dụng. Hiện các sản phẩm từ men vi sinh và nấm đối kháng anh tạo ra đang được anh phát cho bà con nông dân có trang trại chăn nuôi gà, lợn, trâu bò và trồng cây dùng thử miễn phí.
Anh Bùi Thanh Quang cho biết, ban đầu mọi người nghi ngờ về cách làm của mình, nhưng khi dùng mới thấy việc xử lý môi trường trong chăn nuôi bằng các vi sinh vật có sẵn trong tự nhiên an toàn, không gây hại cho người và vật nuôi mà lại rất hiệu quả, sau đó ai cũng rất thích thú và ứng dụng luôn cách làm này.
Không chỉ giúp bà con xử lý chuồng trại giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và sản xuất phân hữu cơ đảm bảo chất lượng ngay tại hộ gia đình, anh Quang còn lên phương án, mua lại các loại phân thải và phế thải của bà con nông dân sau khi ủ men vi sinh do anh tạo ra để về sản xuất phân hữu cơ.
Với nhiều nước trên thế giới, rác thải được xem là nguồn tài nguyên quý giá; trong khi ở Việt Nam, rác chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, vừa lãng phí, vừa đòi hỏi nhiều quỹ đất. Ngoài ra, ở các làng quê, thân cây, rơm rạ, chất thải chăn nuôi bị vứt bỏ bừa bãi, gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường sống. Trong khi, giá phân bón hóa học đang tăng chóng mặt, nông dân cần nhanh chóng có một loại phân bón giá rẻ sẵn có để thay thế - “Đó là những lý do cho quyết định xin nghỉ công việc đã gắn bó hơn 10 năm ở một đơn vị sự nghiệp Nhà nước để về làm một người nông dân toàn tâm toàn ý nghiên cứu tìm cách làm sao để xử lý các phụ phẩm nông nghiệp trở thành tài nguyên sinh ra lợi nhuận" - anh Quang mong muốn.
Tổng hợp các vi sinh vật, nấm có ích trong môi trường tự nhiên. Các vi sinh vật này được nhân lên trong phòng thí nghiệm rồi nhân sinh khối trên giá thể là cám gạo và gạo lứt,... Đó là cách anh Quang để cho ra đời 2 đứa con tinh thần đó là: Bio Thái Dương (chuyên dùng để phân hủy nhanh phân vật nuôi, làm khô phân và giảm các vi sinh vật có hại) và Trichoderma Thái Dương (giúp phân hủy nhanh, rút ngắn thời gian ủ, tăng chất lượng phân hữu cơ, chống các loại nấm bệnh gây hại trong đất).
Thực tế cho thấy, các chế phẩm vi sinh trên thị trường có nhiều nhưng khi sản phẩm đó được sản xuất ở một vùng sinh thái khác mà đưa về vùng khí hậu của mình, các loại nấm, vi sinh vật trong đó chưa chắc đã phát triển được để phát huy tác dụng như mong muốn. 2 sản phẩm của anh Bùi Thanh Quang được tổng hợp từ chính những vi sinh vật, nấm tại chỗ, chúng đã quen với môi trường trong vùng nên khi nông dân đưa vào sử dụng đã sinh trưởng rất mạnh.
Bà Đinh Thị Diễn (thôn Anh Trỗi, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan) một hộ chăn nuôi gà đang sử dụng chế phẩm sinh học của anh Quang cho biết: Trước đây mình đã sử dụng vi sinh để xử lý chuồng trại rồi nhưng khi dùng thử sản phẩm Bio Thái Dương, Trichoderma Thái Dương thấy hiệu quả hơn, chuồng gà hoàn toàn khô ráo, sạch mùi, đàn gà khỏe mạnh, nhanh lớn. Phân gà, gia đình đưa ra bón cho vườn sắn dây cũng rất tốt, cây phát triển khỏe mạnh, nhiều củ mà không phải dùng đến phân hóa học. 0,8 ha sắn dây của gia đình năm nay cho tới 10 tấn củ tươi, tương đương với khoảng 1,5 tấn tinh bột.
Không chỉ giúp bà con xử lý chuồng trại giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và sản xuất phân hữu cơ đảm bảo chất lượng ngay tại hộ gia đình, anh Quang còn lên phương án, mua lại các loại phân thải và phế thải của bà con nông dân sau đó ủ men vi sinh do anh tạo ra để về sản xuất phân hữu cơ.
Những dự định của anh Bùi Thanh Quang đang dần trở thành hiện thực và mang lại giá trị, được người nông dân ở Ninh Bình đón nhận và những gì mà anh Quang đã làm cho nhà máy rác trong thời gian gần 10 năm qua như một minh chứng về giá trị của đam mê, cống hiến. Hy vọng những dự định của Bùi Thanh Quang sẽ được tiếp tục phát huy ở tầm cao, để chứng tỏ một hình tuần hoàn trong chăn nuôi hữu cơ thực sự có ý nghĩa ở tỉnh Ninh Bình, được lan tỏa, nhân rộng.
Diệp Anh