Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn tại Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật và an ninh nguồn nước
07/06/2024TN&MTTheo chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn tại Quốc hội. Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh liên quan đến tình hình thực hiện chính sách, pháp luật và an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước.
Rà soát hồ đập để đảm bảo việc giữ nước, bảo đảm sản xuất bền vững
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) nêu vấn đề, hiện nay, trên cả nước có khoảng trên 40.200 công trình khai thác sử dụng nước, trong đó, có 6.750 hồ thủy lợi với nhiều hồ, đập nhỏ, phần lớn được xây dựng từ những năm 1970 - 1980 trong điều kiện kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế, chất lượng thiết kế thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ, thiếu kinh phí bảo trì,… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ trưởng và ngành sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Hảo, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện có 6550 hồ thủy lợi với hơn 1000 hồ đã được xây dựng từ lâu, do đó, nguy cơ về an toàn hồ đập là rất lớn. Nếu sửa chữa, nâng cấp và cải tạo thì cũng cần nguồn nhân lực rất lớn.
Bàn về giải pháp xử lí vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua Luật TNN đã được Quốc hội thông qua, theo đó, tập trung giao cho Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ Công thương phối hợp với nhau để điều hòa, phân phối nguồn nước, đưa ra các kịch bản nguồn ngước để đảm bảo an ninh nguồn nước. Đối với các địa phương nắng nóng như miền Trung, nếu không có các hồ thủy lợi thì sẽ hạn hán rất lớn. Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, với việc quản lý các hồ đập, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát lại các hồ đập để đảm bảo việc giữ nước, tích trữ nước, đảm bảo sản xuất bền vững, đảm bảo điều hòa và an ninh nguồn nước.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Đoàn Điện Biên) nêu rõ, đầu tư công trình tích trữ nước là một trong những giải pháp ưu tiên trong Luật TNN năm 2023. Để đảm bảo chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện các chính sách nhằm thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, chúng ta rất quan tâm đến việc xây dựng hồ thủy lợi để tích trữ nước. Bộ TN&MT cũng đang rà soát những nơi có đủ điều kiện để xây dựng các hồ đập, hồ thủy lợi. Việc tích trữ nước phải gắn với việc sử dụng hiệu quả nguồn nước. Ngoài ra, việc kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng các hồ thủy lợi, hồ đập cũng phải gắn với đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến rừng, hệ sinh thái,… Ở khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, chúng ta xây dựng các hồ đập và các hồ thủy điện, các hồ thủy điện kết hợp với hồ thủy lợi.
Về công tác duy trì dòng chảy tối thiểu đối với các công trình thủy điện, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, các thủy điện đều phải chấp hành quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu để duy trì sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các thủy điện ở vùng cao. Bộ TN&MT đã có nhiều cố gắng thực hiện việc yêu cầu các nhà máy thủy điện lắp hệ thống quan trắc, giám sát, kết nối về Bộ để theo dõi, giám sát, quản lý. Hiện đã có hơn 850 hồ thủy điện kết nối về Bộ, khi có hiện tượng không duy trì dòng chảy tối thiểu thì sẽ tổ chức trực tiếp kiểm tra, xử lý theo quy định.
Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời, yêu cầu các địa phương thực hiện kết nối hồ thủy điện với cấp sở, cấp bộ để cùng giám sát, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đặt vấn đề về phát huy hiệu quả cơ chế quản lý nước theo lưu vực sông, đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn Phú Yên cho biết, việc khai thác và bảo vệ nguồn nước ở lưu vực sông hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức, trong đó thiếu sự phối hợp giữa các tỉnh thượng nguồn và hạ nguồn trong việc bố trí các công trình phát triển kinh tế - xã hội dọc nguồn nước, dẫn đến ô nhiễm môi trường và khai thác, sử dụng nước thiếu bền vững. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng cũng như giải pháp đột phá trong thời gian tới để phát huy hiệu quả cơ chế quản lý nước theo lưu vực sông để đảm bảo tính bền vững nguồn nước?
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Đào An Xuân, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết từ 1/7, Luật TNN có hiệu lực sẽ có nội dung Tổ chức lưu vực sông. Đây là tổ chức liên ngành do Thủ tướng thành lập, quyết định số lượng thành phần, cơ cấu tổ chức, bộ máy và kinh phí hoạt động.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ TN&MT sẽ xây dựng đề án để thành lập Tổ chức lưu vực sông trình Thủ tướng. Bộ đang dự kiến nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Chủ tịch UBND các tỉnh phải là thành viên của Tổ chức lưu vực sông này, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ môi trường. Nếu để tình trạng xả thải không kiểm soát từ đầu nguồn nước thì các địa phương cuối lưu vực sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Đối với câu hỏi của đại biểu về việc triển khai thi hành Luật TNN, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, ngày 16/5 vừa qua, hai nghị định hướng dẫn thi hành luật đã được Chính phủ ban hành. Cũng trong ngày 16/5, Bộ TN&MT ban hành ba thông tư quy định chi tiết thi hành Luật TNN; quy định việc kiểm tra việc chấp pháp thi hành Luật TNN; quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc TNN. Như vậy, 28 nội dung do Chính phủ và Bộ TN&MT quy định chi tiết trong Luật đã được quy định chi tiết trong hai Nghị định và ba thông tư để đảm bảo tiến độ luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Liên quan đến an ninh nguồn nước, đại biểu Nguyễn Việt Hà ( Đoàn Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng cho biết việc phân cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý TNN hiện nay?
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, việc phân cấp cho các địa phương đã được đề cập trong Luật TNN sửa đổi với 28 nội dung, trong đó, địa phương được trao quyền như điều tra cơ bản, hạn chế khai thác nước dưới đất, lập và ban hành vùng ao hồ không được san lấp,… Bộ TN&MT cũng tham mưu Thủ tướng ban hành 2 nghị định, 3 thông tư, trong đó phân cấp triệt để cho địa phương ban hành 94% giấy phép trong lĩnh vực môi trường, Bộ chỉ có 6%.
Bộ trưởng đề nghị khi Luật TNN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, các địa phương phải vào cuộc ngay. Theo Bộ trưởng, việc phân cấp đảm bảo chức năng, trách nhiệm, phối hợp với bộ, ngành bảo đảm được an ninh nguồn nước, quản lý lưu vực sông,… Sau khi phân cấp, Bộ TN&MT cũng kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Đối với chất vấn về lượng mưa đổ về trong mùa hạn nhưng tại sao lại thiếu nước, Bộ trưởng cho biết, năm nay có hiện tượng El Nino, nên tình trạng thiếu nước chỉ là thiếu cục bộ ở khu vực.
Tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh đã chủ động cung cấp nước bù cho người dân, có hàng trăm điểm lấy nước công cộng cho người dân. Tuy nhiên, các nhà máy nước và các hồ chưa đảm bảo cung cấp nước, ứng phó với hạn hán, nên cần phải điều chuyển nước từ nơi khác về. Đây là vấn đề cần được tính toán, quan tâm trong thời gian tới. Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan có dự báo, tính toán, đảm bảo nguồn nước; đồng thời tuyên truyền người dân chủ động tích trữ nguồn nước; tiếp tục nâng cấp các nhà máy nước, đảm bảo cung cấp nước cho nhân dân.
Giải pháp phục hồi các dòng sông
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) về phục hồi các dòng sông chết, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, các sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu,... đang ô nhiễm nặng. Còn dòng sông chết vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy. Thời gian qua, các địa phương và Bộ TN&MT đã tích cực nhưng chưa cải tạo được bao nhiêu vì các khu công nghiệp và làng nghề xả thải ra các dòng sông này cũng như chưa đủ nguồn lực để xử lý (gồm nguồn lực để đầu tư cho hệ thống thu gom, hệ thống xử lý).
Bộ trưởng cho rằng, các địa phương phải chung tay với nhau để xử lý nước thải đồng bộ. Giải pháp căn cơ là phải giữ được nước, nước chảy tự nhiên với lưu lượng nước lớn, điều hòa được dòng chảy. Về vấn đề quản lý, Luật TNN (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ TN&MT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban quản lý lưu vực sông, tức là trách nhiệm chung các tỉnh, các bộ ngành và Ủy ban để điều phối vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị trong giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ cần quan tâm đầu tư công để xử lý các dòng sông ô nhiễm này.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ - Đáy, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết tỉnh Nam Định cũng như các tỉnh nằm ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy là những địa phương chịu tác động nặng nề của ô nhiễm nguồn nước do nước thải chưa đạt tiêu chuẩn xả vào. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước thải từ đô thị làng nghề, nước thải công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh, trong khi đó tỷ lệ nước thải thu gom đạt tỷ lệ thấp. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị Bộ trưởng nêu rõ đánh giá về tình trạng nơi nào xả thải càng nhiều, việc xử lý nước thải càng ít? Tình trạng đô thị xả thải, nông thông gánh chịu ô nhiễm? Bên cạnh đó, ngoài giải pháp thành lập Ủy ban lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương thuộc lưu vực có các đô thị làng nghề lớn hoặc phối hợp, với các Bộ, ngành có liên quan để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ - Đáy như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu về ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ TN&MT đã tăng cường hệ thống quan trắc và phân tích môi trường trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Hiện nay có 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc môi trường nước mặt. Ngoài ra, địa điểm xả thải có lưu vực lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thiết lập quan trắc thường xuyên và liên tục, kết nối dữ liệu online. Bộ TN&MT cũng đánh giá sức chịu tải của các dòng sông, với quan điểm sẽ trao đổi với các địa phương có giải pháp xử lý phù hợp.
Về thu gom, xử lý chất thải, Bộ trưởng khẳng định cần có sự vào cuộc của tất cả các địa phương, có sự chung sức, đồng lòng cùng xử lý nguồn thải, tạo dòng chảy. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp chung tay bảo vệ. Trong thời gian tới, đầu tư công cũng cần quan tâm tới nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải này.
Phương Chi (tổng hợp)