Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tiếp tục lắng nghe ý kiến chỉ đạo, góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
15/10/2024TN&MTQuan điểm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, những vấn đề nào đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh thì sửa đổi, còn những vấn đề “chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh” thì tiếp tục nghiên cứu, không vội đưa vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Trong tiến trình lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, đến thời điểm hiện tại, có một số vấn đề đang tiếp tục thảo luận, đó là: Quy hoạch khoáng sản, phân nhóm khoáng sản, cấp phép khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản...
Đại diện các đơn vị quản lý trực thuộc Bộ TN&MT lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức
Quan điểm chung của các đại biểu tại phiên họp thứ 10 Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Cần có quy định đặc thù trong việc vừa quy hoạch khoáng sản nhưng vẫn bảo đảm cơ chế pháp lý để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện quy định sử dụng đất đa mục tiêu theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với quyền khai thác khoáng sản, các đại biểu khẳng định, khoáng sản là một loại tài sản đặc thù phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Cùng một loại khoáng sản nhưng chất lượng khoáng sản khác nhau, quy mô khoáng sản khác nhau, điều kiện địa chất tại khu vực khai thác khoáng sản khác nhau. Điều kiện địa lý tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật, điều kiện xã hội ở từng khu vực khác nhau dẫn đến giá trị về quyền khai thác khoáng sản khác nhau. Do đó, căn cứ để đưa ra quy định chung về định giá giá trị quyền khai thác khoáng sản rất phức tạp, không thể đúng với tất cả các trường hợp.
Về phân nhóm khoáng sản, có ý kiến đề nghị cần phân định rõ ràng các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng để đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý và tránh tạo kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến những sai phạm, thất thoát và lãng phí; đồng thời, tháo gỡ những khó khăn trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện nay.
Rất nhiều ý kiến góp ý để dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được hoàn thiện. Phóng viên Tạp chí TN&MT xin giới thiệu lại một số quan điểm chỉ đạo và ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội:
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch là vấn đề rất quan trọng
Vì vậy, cần phân biệt rõ quy hoạch, thăm dò và khai thác. Qua làm việc với các địa phương, có kiến nghị 5 nhóm vướng mắc trong thực tiễn triển khai Luật; trong đó có 3 nhóm vướng mắc đã có giải pháp giải quyết rõ ràng trong dự thảo Luật lần này, còn 1 nhóm vướng mắc có 2 phương án lựa chọn liên quan đến Điều 16 dự thảo Luật về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản. Dù là phương án nào thì cũng phải làm rõ căn cứ, yêu cầu để đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sắp tới cũng như trình Quốc hội biểu quyết.
Đối với hai nội dung còn 2 phương án khác nhau là Điều 15, Điều 16 của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét, nghiên cứu thêm. Trong đó, với nội dung về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), cần đánh giá kỹ tác động chính sách mới nếu thay đổi đầu mối quy hoạch khoáng sản từ quy định của Luật hiện hành là Bộ Xây dựng và Bộ Công thương sang tập trung thành một đầu mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bởi, việc đánh giá tác động chính sách là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 16), đề nghị đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về chuyên môn, về khả năng có thể quy định riêng đối với lĩnh vực khoáng sản theo dự thảo Luật hay sẽ thảo luận khi sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch?.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/2/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề nghị, khi xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải cập nhật đầy đủ những tinh thần, chỉ đạo của Bộ Chính trị thể hiện trong Nghị quyết. Đây là căn cứ vững chắc về sự lãnh đạo của Đảng để Quốc hội cụ thể hóa thành văn bản luật, Chính phủ và các Bộ, ngành có những nghị định, thông tư hướng dẫn.
Những vấn đề nào đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh thì sửa đổi, còn những vấn đề “chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh” thì tiếp tục nghiên cứu, không vội đưa vào dự thảo Luật. Đồng thời, thực hiện Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần rà soát nghiêm túc, kỹ lưỡng.
Ông Nguyễn Công Long (Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai): Cân nhắc việc cấp phép khai thác khoáng sản nhóm 4
Ông Nguyễn Công Long - Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai
Không nên bỏ việc cấp phép bằng việc đăng ký khai thác khoáng sản nhóm 4. Bởi, việc cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu ý kiến bằng cách quy định “cấp phép thực hiện theo hình thức đăng ký” thực chất là vẫn giữ nguyên quy định về việc đăng ký và bỏ quy định về cấp phép.
Phân tích về mặt pháp lý, việc đăng ký và cấp phép là 2 thủ tục hoàn toàn khác nhau và giá trị cũng khác nhau. Cấp phép là một xác nhận của Nhà nước để xác nhận quyền, nghĩa vụ của một tổ chức, cá nhân nào đó được phép khai thác. Trong giấy phép đó sẽ bao gồm phạm vi khu vực được khai thác, thời gian khai thác, trữ lượng được khai thác. Các thông tin trong giấy phép khai thác khoáng sản là rất quan trọng để cơ quan tố tụng có thể đấu tranh với tội phạm được gọi là “cát tặc” hiện nay.
“Khoáng sản nhóm 4 chủ yếu là các vật liệu san lấp nền phục vụ cho các công trình giao thông và xây dựng. Chúng ta cũng biết là trong thực tiễn có một loại tội phạm được gọi là “cát tặc” và chúng ta đang phải đấu tranh hết sức cam go từ trước tới nay. Nếu theo phương án bỏ cấp phép, chúng tôi cho rằng, chúng ta sẽ giải quyết cơ bản được vấn đề cát tặc theo hướng là từ nay sẽ khai thác tự do mà không bị xử lý. Từ đó đề nghị, điều chỉnh lại quy định theo hướng giữ nguyên việc cấp phép khai thác đối với khoáng sản nhóm 4.
Đồng thời, về cải cách thủ tục hành chính nếu quy định theo hướng nêu trên, cũng không phải trở ngại hay rắc rối gì mà có thể cản trở đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngược lại, việc này hoàn toàn có thể đáp ứng được cả yêu cầu quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng có căn cứ rõ ràng để đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm về thăm dò, khai thác các loại khoáng sản hiện nay.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định chặt chẽ hơn, có chế tài quản lý sản lượng khai thác khoáng sản, không để xảy ra thất thu ngân sách khi quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Việc phân loại các nhóm khoáng sản phải trên cơ sở cả về công dụng, mục đích quản lý và về giá trị sử dụng, không chỉ phân ra các nhóm mà ngay trong từng nhóm cũng phải có phân loại cụ thể, nhất là các khoáng sản đa mục đích và khoáng sản có nhiều công năng sử dụng.
Ông Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH Đắk Nông
Ông Dương Khắc Mai (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông): Một số địa phương đang rất vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản
Thực tiễn hiện nay, một số địa phương đang rất vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản. Điển hình như quy hoạch khoáng sản là bô-xít đã ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc lập quy hoạch chưa bám sát tình hình phát triển, còn chồng lấn với quy hoạch khác, gây ách tắc cho sự phát triển. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về căn cứ quy hoạch khoáng sản là "Thực trạng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tại khu vực có tiềm năng khoáng sản quy hoạch".
Hiện nay, trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên, việc quy hoạch bô-xít phân bố rộng, có huyện quy hoạch bô-xít chiếm khoảng 53% diện tích tự nhiên và có xã chiếm đến 90% nên diện tích quy hoạch bao trùm lên toàn bộ hoạt động đời sống kinh tế - xã hội của người dân cũng như các mỏ vật liệu xây dựng thông thường và tác động rất lớn đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư. Đơn cử như tỉnh Đắk Nông, có khoảng hơn 1.000 dự án bị chồng lấn với quy hoạch bô-xít nên gần như không thể triển khai được.
Để giải quyết vấn đề này, đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản nên quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch để trình Quốc hội xem xét. Đồng thời, cần rà soát, bổ sung vào Dự thảo Luật việc cấp phép cho các đơn vị khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường trong khu vực phát hiện có khoáng sản bô-xít, bao gồm cả những đơn vị chưa được cấp phép thăm dò, khai thác bô-xít, để đảm bảo không đứt gãy nguồn cung ứng vật liệu xây dựng cơ bản.
Trước những ý kiến, đề xuất của các đại biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã làm rõ một số nội dung được các đại biểu quan tâm. Đồng thời Bộ trưởng cũng cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu các nội dung, điều khoản một cách phù hợp với điều kiện thực tế trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Phạm Đoàn Việt Anh (lược ghi)