
Bộ Tài nguyên và Môi trường sát sao trong xử lý ô nhiễm ở cụm công nghiệp, làng nghề
25/08/2023TN&MTTrước thực trạng “báo động đỏ” về tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường ở các điểm sản xuất này.
Báo động đỏ về ô nhiễm
Theo số liệu từ Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến hết năm 2022, trên địa bàn 28 tỉnh phía Bắc có 396 cụm công nghiệp, nhưng mới chỉ có 75/396 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 20,3%); có 20/129 cụm công nghiệp có hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục (đạt tỷ lệ 15,5%).
Do vậy, sự phát triển chưa đồng bộ của các cụm công nghiệp về cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến các biện pháp bảo vệ môi trường dẫn đến áp lực về việc kiểm soát nguồn thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn), đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Còn phổ biến tình trạng các cụm công nghiệp có chủ đầu tư là cơ quan quản lý cấp huyện, xã không chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; không triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung do không có nguồn vốn để thực hiện.
Đối với các cụm công nghiệp có chủ đầu tư là doanh nghiệp đa phần đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đã bước đầu đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước mưa, nước thải. Tuy nhiên, chủ đầu tư của các cụm công nghiệp này chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, không thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ theo quy định.
Đối với làng nghề, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường khó khăn nhất hiện nay tập trung vào đối tượng các địa phương có nghề trên địa bàn nông thôn; đặc biệt, với tính chất biến động, tự phát của làng nghề, công tác bảo vệ môi trường hiện nay là khó quản lý nhất.
Báo động đỏ về ô nhiễm môi trường ở làng nghề tái chế nhôm Văn Môn, Bắc Ninh
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, có 60% trên tổng số gần 5.000 làng có nghề trên toàn quốc tập trung tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Riêng Hà Nội, kết quả thống kê cho thấy Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Với động lực của thị trường, các làng nghề hiện nay không còn là “làng nghề” thủ công theo đúng nghĩa truyền thống của nó, mà biến đổi thành các loại hình công nghiệp gây ô nhiễm địa bàn nông thôn, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trong số 34/47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng cần xử lý triệt để nằm ở khu vực các tỉnh phía Bắc, và sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án bảo vệ môi trường làng nghề, mức độ ô nhiễm được cải thiện, nhưng chưa thực sự đáng kể, thậm chí, 21 làng nghề chưa xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm. Các số liệu quan trắc môi trường trong các làng nghề sản xuất sắt thép và giấy vẫn cho thấy nồng độ bụi, khí độc (khí thải, hơi hoá chất …), nước mặt, nước thải cao hơn mức cho phép đối với khu dân cư nhiều lần.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề tái chế đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, thậm chí có xu hướng dịch chuyển sang các khu vực dân cư thưa hơn và mức độ quản lý lỏng hơn. Nước thải của các cơ sở sản xuất ở các làng nghề cơ bản đều không được xử lý, thải thẳng vào hệ thống thoát nước và các nguồn nước mặt. Chất thải của các làng nghề, trong đó có chất thải nguy hại được thu gom cùng với chất thải sinh hoạt, đặc biệt có làng nghề chất thải phát sinh được đổ tại khu vực trũng như ao, hồ, ven sông,… sau đó được đốt cháy tự nhiên đã làm ô nhiễm môi trường nước mặt, nước dưới đất, đất và không khí của khu vực, điển hình như làng nghề tái chế nhôm Văn Môn và làng nghề giấy Phong Khê (Bắc Ninh).
Anh Nguyễn Văn H., một người dân sống quanh khu vực sông Ngũ Huyện Khê cho biết: “Về mùa mưa thì nước ở trên chảy về còn đỡ thì mới có cá, chứ mùa khô thì nước đục đen ngòm cá, tôm chết hết. Có những hôm đi qua sông bốc mùi hôi thối không thể chịu được”.
Triển khai thực hiện chế tài theo Luật
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số: 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định cụ thể thời gian lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động chậm nhất là ngày 31/12/2024 đối với dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có lưu lượng xả thải ra môi trường quy định tại cột 4 Phụ lục XXVIII.
Ô nhiễm tại làng nghề giấy Phong Khê
Ngày 19/02/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số: 2675/BTNMT-KSONMT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc, hướng dẫn triển khai một số nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai một số nội dung về bảo vệ môi trường như: Quan tâm, chỉ đạo hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường và tăng cường công tác bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Luật Bảo vệ môi trường; Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện, xã đôn đốc và yêu cầu các cụm công nghiệp đang hoạt động phải hoàn thành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường); Yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm theo quy định pháp luật, trong đó, lưu ý không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật trong trường hợp các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa bảo đảm thời hạn phải hoàn thành và yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ...
Đối với làng nghề, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các địa phương xử lý triệt để ô nhiễm tại các làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề (như làng nghề Phong Khê đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ giám sát định kỳ); chuẩn bị báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả kiểm tra, khảo sát xác minh thông tin điểm nóng về môi trường tại Làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Nhất Nam