Bình Phước: Công tác cấp giấy chứng nhận sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới và đạt hiệu quả cao
30/09/2024TN&MTCông tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất luôn là vấn đề được người dân và xã hội quan tâm, đồng thời cũng là lĩnh vực thường phát sinh nhiều nội dung phức tạp, khó khăn, vướng mắc gây áp lực không hề nhỏ đối với hoạt động của cơ quan tài nguyên và môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai.
Luật Đất đai năm 2024 đã chuyên nghiệp hóa công tác cấp giấy chứng nhận để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai được tốt hơn, đồng thời giúp người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thực hiện thủ tục này nhanh nhất, thuận tiện nhất.
Một số kết quả đạt được
Những năm gần đây, công tác cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ) và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (GCN) luôn được lãnh đạo các cấp từ UBND tỉnh Bình Phước, Sở TN&MT, Văn phòng ĐKĐĐ quan tâm tổ chức thực hiện thông qua việc ban hành các Kế hoạch, các chương trình, các mục tiêu với những nhiệm vụ cụ thể hướng đến phục vụ tốt nhất nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Với mục tiêu nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Thời gian vừa qua, Văn phòng ĐKĐĐ đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ như: Kịp thời tham mưu sửa đổi bộ thủ tục hành chính; giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác chuyên môn và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của đơn vị.
Để hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến công tác cấp GCN, Văn phòng ĐKĐĐ đã triển khai thực hiện các nội dung:
Kiện toàn lại Tổ hướng dẫn người dân tại các Chi nhánh thông qua việc ban hành Quy chế hoạt động của Tổ tại Quyết định số 03/QĐ-VPĐKĐĐ ngày 04/01/2024 (Tổ Hướng dẫn tại các Chi nhánh có trách nhiệm hướng dẫn cho người dân thực hiện kê khai các loại giấy tờ có liên quan đến công tác cấp GCN, hoàn thiện thành phần hồ sơ theo đúng quy định và đặc biệt là hướng dẫn người dân thao tác, trình tự trong nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán nghĩa vụ tài chính trên Cổng dịch vụ công; hỗ trợ người cao tuổi trên 80 tuổi, người tàn tật, dân tộc thiểu số trong việc lập hồ sơ (kê khai mẫu đơn, tờ khai, nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến).
Hoàn thiện việc xây dựng ứng dụng mã QR hướng dẫn thủ tục hành chính về đất đai (Doanh nghiệp và người dân chỉ cần thao tác quét mã QR được đặt tại Trung tâm hành chính công, Sở TN&MT, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh và Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ tại các huyện, thị xã và thành phố, sẽ được cung cấp đầy đủ danh mục thủ tục hành chính, hướng dẫn trình tự thực hiện, tra cứu và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ cấp GCN).
Thành lập Tổ tư vấn pháp luật và chăm sóc khách hàng, đồng thời tổ chức công bố số điện thoại chăm sóc khách hàng (Tổ Tư vấn pháp luật và chăm sóc khách hàng có trách nhiệm trả lời, giải đáp các thắc mắc, yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, doanh nghiệp, người dân; tổ chức khảo sát sự hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân đối với các nội dung liên quan đến công tác cấp GCN thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng ĐKĐĐ, hướng dẫn, tập huấn pháp luật chuyên ngành; tham mưu sửa đổi, bổ sung bộ TTHC) và triển khai thực hiện từ ngày 3/6/2024.
Việc thực hiện các nội dung này được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Văn phòng ĐKĐĐ với mục tiêu từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến công tác cấp GCN.
Ngoài những hoạt động hướng đến hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp và người dân, công tác hoàn thiện tổ chức, bộ máy, con người cũng là một nội dung được Văn phòng ĐKĐĐ quan tâm và tổ chức thực hiện tốt thông qua việc: Ban hành quy chế phối hợp trong việc giải quyết hồ sơ cấp GCN của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của Văn phòng ĐKĐĐ và việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính sau khi đăng ký, cấp GCN tại Quyết định số 55/QĐ-VPĐKĐĐ ngày 29/02/2024 (Quy chế nhằm mục đích xác định rõ quy trình, thời gian và trách nhiệm cụ thể của các đơn vị trong hoạt động cấp GCN cho người dân).
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Sở TN&MT và Văn phòng ĐKĐĐ, công tác cấp GCN của tỉnh luôn đạt được mục tiêu đề ra (giải quyết đúng hạn trên 98%), kết quả như sau: Năm 2023, đối với hồ sơ tổ chức, doanh nghiệp giải quyết được 340 hồ sơ (đúng hạn 100%), đối với hồ sơ hộ gia đình, cá nhân giải quyết được 274.131 hồ sơ (đúng hạn 99,45%; trễ hạn 0,55%); 6 tháng đầu năm 2024, đối với hồ sơ tổ chức, doanh nghiệp giải quyết được 129 hồ sơ (đúng hạn 99,22%, trễ hẹn 0,78%), đối với hồ sơ hộ gia đình, cá nhân giải quyết được 111.131 hồ sơ (đúng hạn 99,86%; trễ hạn 0,14%).
Mặc dù kết quả công tác cấp GCN đạt được chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên chưa đáp ứng được mong đợi của lãnh đạo các cấp, của tổ chức, doanh nghiệp và người dân do vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn hoặc hồ sơ bị trả đi trả lại nhiều lần. Việc vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn chủ yếu do một số nguyên nhân như: Công tác thẩm tra hồ sơ đầu vào tại các Chi nhánh chưa kỹ, có sai sót dẫn đến hồ sơ bị trả đi trả lại để chỉnh sửa, bổ sung; tình trạng viên chức, người lao động chưa thực sự chủ động, chưa làm tốt nhiệm vụ được giao và một số lãnh đạo các đơn vị chưa thực sự sát sao trong chỉ đạo điều hành dẫn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao còn chậm, chất lượng chưa cao.
Văn bản pháp lý thay đổi liên tục, còn chồng chéo; công tác phối hợp của các đơn vị liên quan chưa tốt, còn nhiều hạn chế; cổng dịch vụ công chưa được cập nhật kịp thời và còn tình trạng bị lỗi; cơ sở dữ liệu địa chính chưa hoàn thiện và một số khó khăn đặc thù riêng của tỉnh Bình Phước như việc công nhận, xác nhận các tuyến đường còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc,… quá trình quản lý đất đai trước đây còn nhiều hạn chế dẫn đến việc cấp GCN bị sai vị trí, chống ranh dẫn đến phát sinh, tranh chấp, khiếu nại.
Những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 sẽ đẩy nhanh quy trình và tiến độ cấp giấy chứng nhận
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, một trong những điểm mới của Luật Đất đai được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 là chuẩn hóa GCN. Quy định rõ thẩm quyền cấp GCN, tách riêng giữa vai trò QLNN với việc cung cấp dịch vụ công của cơ quan đăng ký, đưa công tác cấp GCN được chuyên nghiệp hóa, làm cơ sở cho việc thống nhất công tác đăng ký đất đai từ trung ương tới địa phương.
Bên cạnh đó, quy định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ (Chương IX) trong Luật Đất đai năm 2024 đã hoàn thiện căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ; bổ sung đối tượng được Nhà nước giao đất không thu tiền SDĐ, giao đất có thu tiền SDĐ cho đầy đủ, bao quát hết các đối tượng. Quy định các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá QSDĐ, điều kiện để tiến hành đấu giá QSDĐ; điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá QSDĐ.
Luật cũng quy định các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có SDĐ là các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực và các dự án khu đô thị được HĐND cấp tỉnh quyết định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; điều kiện của tổ chức tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê: SDĐ để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; SDĐ KCN, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, nhà lưu trú công nhân trong KCN, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, SDĐ thương mại, dịch vụ để hoạt động du lịch, kinh doanh văn phòng; SDĐ để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê.
Bên cạnh đó, Luật đã quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích SDĐ, trong đó phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích SDĐ trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh.
Có thể nói, các quy định tại Chương X của Luật về đăng ký đất đai, cấp GCN đã quy định chuẩn hóa GCN.
Luật quy định rõ thẩm quyền cấp GCN, tách riêng giữa vai trò QLNN (việc công nhận QSDĐ) với việc cung cấp dịch vụ công của cơ quan đăng ký (việc cấp GCN), đưa công tác cấp GCN được chuyên nghiệp hóa, làm cơ sở cho việc thống nhất công tác đăng ký đất đai, quản lý hồ sơ địa chính từ trung ương tới địa phương.
Luật Đất đai đã giao UBND cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ khác về QSDĐ có trước ngày 15/10/1993 cho phù hợp với thực tiễn của địa phương. Bổ sung thời điểm áp dụng quy định về hạn mức đất ở của địa phương, trách nhiệm của Nhà nước trong việc cấp GCN cho các trường hợp đã đăng ký và đủ điều kiện.
Luật cũng có quy định về việc thực hiện đăng ký bắt buộc đối với QSDĐ và đăng ký biến động đất đai; đồng thời, có chế tài cụ thể nhằm ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký đất đai. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất.
Quang Hậu