Bí quyết ứng phó mức nhiệt cao của Nhật Bản
02/08/2024TN&MTNhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu đang làm tăng các rủi ro về sức khỏe, khi trung bình ở Nhật Bản, khoảng 1.300 người tử vong do các bệnh liên quan đến nhiệt mỗi năm trong khoảng thời gian 5 năm cho đến năm 2022.
Người dân đi bộ dưới cái nắng gay gắt ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản
Hậu quả từ nhiệt độ cực cao
Theo Cơ quan Quản lý Hỏa hoạn và Thiên tai Nhật Bản, trong tuần đầu tiên của tháng 7, 9.105 người đã được chuyển đến bệnh viện do say nắng, gấp đôi con số của cùng kỳ năm ngoái.
Khi ai đó bị mất quá nhiều nước và muối, tình trạng kiệt sức do nhiệt có thể xảy ra. Tình trạng này được đánh dấu bằng các triệu chứng như nhiệt độ cơ thể cao, chóng mặt và nhịp tim nhanh.
Say nắng nghiêm trọng hơn nhiều, xảy ra khi cơ thể không thể tự làm mát đúng cách do nhiệt độ và độ ẩm quá cao, tập thể dục hoặc mất nước. Một số triệu chứng ban đầu của tình trạng say nắng gồm: chóng mặt, nhức đầu, nói ngọng và nôn mửa. Khi say nắng xảy ra, nhiệt độ cơ thể tăng nhanh đến 40 độ C trở lên. Nếu không được điều trị đúng cách, say nắng có thể gây mất ý thức, tổn thương các cơ quan và tàn tật. Trong một số trường hợp, nó có thể gây tử vong.
Theo Cẩm nang Sức khỏe Môi trường của Bộ Môi trường Nhật Bản, về cơ bản, các biện pháp ngăn ngừa những tình trạng này chủ yếu là giữ nước và kiểm soát sự gia tăng nhiệt độ cơ thể. Mọi người nên tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao, chẳng hạn như hạn chế tập thể dục không cần thiết trong những ngày nắng nóng, ở trong bóng râm và thường xuyên nghỉ ngơi ở những khu vực mát mẻ.
Bên cạnh đó, mặc quần áo rộng rãi, nhanh khô cũng giúp cơ thể giải nhiệt tốt hơn trong những ngày nắng nóng. Uống nước thường xuyên cũng rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Uống rượu có thể nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn và đẩy nhanh quá trình mất nước.
Trong khi đó, điều hòa không khí có vai trò quan trọng trong việc giảm các bệnh liên quan đến nhiệt. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia, Đại học Tokyo và Viện Khoa học và Công nghệ công nghiệp tiên tiến Quốc gia công bố năm ngoái cho thấy, số ca tử vong liên quan đến nhiệt trong tháng 8 từ năm 2000 đến năm 2010 đã giảm 36% do sử dụng điều hòa không khí.
Ứng phó khi có người say nắng
Hiệp hội Y học cấp tính Nhật Bản phân loại say nắng thành 3 mức độ nghiêm trọng dựa trên “nhu cầu điều trị cụ thể”.
Cấp độ 1 bao gồm các triệu chứng nhẹ có thể được kiểm soát bằng sơ cứu tại chỗ. Những người có triệu chứng ở mức độ vừa phải và cần đến gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe được xếp vào cấp độ 2. Cấp độ cao nhất là dành cho những triệu chứng nghiêm trọng cần nhập viện và điều trị tích cực.
Theo Hiệp hội Y học cấp tính, bệnh nhân cấp độ 1 cần được chuyển ngay đến môi trường mát hơn để nhiệt độ cơ thể hạ xuống và uống nhiều nước. Mức độ ý thức của bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ nặng. Khi ai đó có dấu hiệu thay đổi ý thức, họ được phân loại là cấp độ 2 và cần được chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Cấp độ 3 áp dụng cho những người bất tỉnh.
Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người có tình trạng sức khỏe như béo phì hoặc suy giảm chức năng tim, phổi hoặc thận đặc biệt dễ bị say nắng. Ngoài ra, một số loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ hoặc chức năng tuần hoàn, chẳng hạn như thuốc điều trị huyết áp, cũng làm tăng nguy cơ say nắng.
Người già có xu hướng đổ mồ hôi ít hơn người trẻ tuổi và dễ bị mất nước hơn. Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Hỏa hoạn và Thiên tai Nhật Bản, từ tháng 5 đến tháng 9/2023, tổng cộng 91.467 người phải nhập viện do say nắng, trong đó có 107 người tử vong. Gần 55% trong số đó là từ 65 tuổi trở lên.
Trẻ nhỏ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ quá cao vì các chức năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể vẫn chưa phát triển đầy đủ. Ngoài ra, cơ thể trẻ em có diện tích bề mặt so với trọng lượng cơ thể lớn hơn so với người lớn, điều này khiến nhiệt độ cơ thể trẻ dễ tăng cao khi ở nhiệt độ cao hoặc dưới ánh nắng trực tiếp.
Nhận biết mức nóng nguy hiểm
Bộ Môi trường Nhật Bản đưa ra cảnh báo say nắng dựa trên nhiệt độ bầu ướt (WBGT), một chỉ số dùng để đo các yếu tố nhiệt chính của môi trường như nhiệt độ không khí, nhiệt bức xạ và độ ẩm.
Nên tránh tập thể dục nặng khi chỉ số WBGT nằm trong khoảng từ 28 - 31, đây là mức “cảnh báo nghiêm trọng”. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, khi chỉ số WBGT vượt quá 31 thì được coi là “nguy hiểm”, khi đó tất cả các hình thức tập thể dục đều phải dừng lại.
Mặc dù nhiệt độ WBGT ở mức 35 độ C được coi là giới hạn khả năng thích ứng với nhiệt độ cực cao của cơ thể con người, nhưng việc tiếp xúc kéo dài có thể gây tử vong cho ngay cả những người khỏe mạnh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngưỡng này có thể thấp hơn đáng kể ngay cả đối với người trẻ và khỏe mạnh.
Bắt đầu từ năm nay, một “cảnh báo say nắng đặc biệt” thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi chỉ số WBGT được dự đoán sẽ đạt 35 độ C hoặc cao hơn vào ngày hôm sau. Điều này cho thấy “điều kiện nắng nóng nguy hiểm chưa từng có có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng”.
Nhật Bản đã ban hành cảnh báo say nắng tại 39 trong số 47 tỉnh thành của nước này khi nhiệt độ tăng lên hơn 37 độ C. Thị trấn Hachioji ở phía tây Tokyo ghi nhận nhiệt độ là 37,6 độ C trong khi nhiệt độ lên tới 38,2 độ C ở tỉnh Gunma, phía bắc Thủ đô Nhật Bản. Điều này buộc người dân phải tìm các phương án đối phó với tình trạng này.
Theo daidoanket.vn