Bảo vệ và phát huy các khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận ở Việt Nam
08/10/2021TN&MTNgày Đất ngập nước Thế giới (2/2/2021) có chủ đề: “Không thể tách rời - Đất ngập nước, Nước và Sự sống”; Ngày Nước thế giới (22/3/2021) có chủ đề: “Giá trị của nước”.
Như vậy, hai ngày trên đều có chung một thông điệp là hành động bảo vệ nguồn nước, bảo vệ các khu dự trữ và đa dạng sinh học. Bài báo này đề cập đến 9 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam được UNESCO công nhận đang là nơi cư trú của 2,3 triệu người, với tổng diện tích 4,1 triệu héc-ta, chiếm khoảng 12,1% diện tích của cả nước. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để vừa phát triển kinh tế từ giá trị của các khu dự trữ sinh quyển, nhưng vẫn bảo tồn được hiện trạng và đa dạng sinh học ở những khu vực này.
“Lá phổi xanh” của nước ta
Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) rừng ngập mặn Cần Giờ: KDTSQ Cần Giờ còn gọi là Rừng Sác là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, Sài gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Sau giải phóng 1975 khu rừng ngập mặn này là vùng đất chết bởi do bom đạn và chất hoá học. Năm 1979, TP. Hồ Chí Minh phát động chiến dịch trồng lại rừng Cần Giờ, với nhiệm vụ khôi phục lại hệ sinh thái ngập mặn. Diện tích rừng đã phủ xanh hơn 31 nghìn ha, trong đó có gần 20 nghìn ha rừng trồng, hơn 11 nghìn ha được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và các loại rừng khác. Sự khôi phục cũng như bảo vệ khu rừng này ghi nhận sự đóng góp rất lớn của lực lượng thanh niên xung phong TP. Hồ Chí Minh và nhân dân huyện Cần Giờ. Khu rừng hiện được giao cho người dân chăm sóc và quản lý. Nơi đây được công nhận là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam.
Ngày 21/1/2000, khu rừng này được UNESCO công nhận là KDTSQ thế giới tại Việt Nam đầu tiên với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn.
Khu dự trữ sinh quyển - Vườn quốc gia Cát Tiên: Vườn quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn ba huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước) với tổng diện tích là 71.920 ha.
Rừng nguyên sinh Cát Tiên có khoảng 1.700 loài thực vật và hơn 700 loài thú, chim quý hiếm, trong đó có nhiều loại đặc biệt quý hiếm, hầu hết có trong Sách Đỏ và cần được bảo vệ nghiêm ngặt như: Tê giác một sừng, gà so cổ hung, cá sấu nước ngọt, chim công, trĩ, đà điểu,… các loại gỗ quý hiếm như thủy tùng, giáng hương, gõ, trắc, cẩm lai, căm xe,… Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai có 11 dân tộc anh em sinh sống và đây sẽ là hình mẫu về bảo tồn đa mục đích - một mô hình phát triển bền vững hài hòa giữa con người và thiên nhiên dựa trên sự ĐDSH và đa dạng văn hóa được duy trì từ xa xưa của các đồng bào dân tộc ít người, các phong tục tập quán truyền thống được bảo tồn gắn liền với bảo tồn ĐDSH.
Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên, được mệnh danh là lá phổi xanh giữa miền Đông Nam Bộ, được UNESCO chính thức đổi tên thành Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai và công nhận là KDTSQ thế giới vào năm 2002.
Khu dự trữ sinh quyển - Quần đảo Cát Bà: Quần đảo Cát Bà là quần thể gồm 367 đảo trong đó có đảo Cát Bà ở phía Nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi các TP. Hải Phòng 30 km, cách TP. Hạ Long khoảng 25 km. Đảo thuộc huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng.
Quần đảo nằm ở độ cao trung bình 70 m so với mực nước biển. Diện tích khoảng gần 300 km². Thị trấn Cát Bà gồm 6 xã: Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Trân Châu, Việt Hải, Xuân Đám. Ngoài ra, còn có các đảo nhỏ khác: Hòn Cát Ông, hòn Cát Đuối, hòn Mây, hòn Quai Xanh, hòn Tai Kéo,… Năm 2004, nơi đây đã được UNESCO công nhận là KDTSQ thế giới.
Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng: Đây là một KDTSQ thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam ngày 2/12/2004, cho 2 phần đất phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ nằm ở 2 cửa sông Hồng và sông Đáy. Tổng diện tích của KDTSQ này lớn hơn 105.558 ha, trong đó có 66.256 ha là đất liền ven biển và 39.302 ha mặt nước biển thuộc 25 xã của các huyện: Kim Sơn (Ninh Bình); Nghĩa Hưng, Giao Thủy (Nam Định); Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình). Vùng lõi có diện tích hơn 14.000 ha, vùng đệm gần 37.000 ha, vùng chuyển tiếp trên 54.000 ha.
Khu dự trữ sinh quyển gồm 3 phân vùng riêng biệt, thuộc các cửa sông Đáy, cửa Ba Lạt và cửa Thái Bình: Vùng ven biển cửa sông Đáy nằm trên 7 xã thuộc huyện Kim Sơn và 6 xã thuộc huyện Nghĩa Hưng; vùng ven biển cửa Ba Lạt nằm trên 4 xã thuộc huyện Giao Thủy và 3 xã huyện Tiền Hải; vùng ven biển cửa Thái Bình nằm trên 5 xã thuộc huyện Thái Thụy. KDTSQ này chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái, đồng quê và tắm biển.
Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang: Với diện tích hơn 1,1 triệu ha, KDTSQ Kiên Giang là KDTSQ lớn thứ 2 của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2006.
Chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái. Ta có thể thấy ở đây từ rừng tràm trên đất ngập nước, rừng trên núi đá - núi đá vôi đến hệ sinh thái biển mà trong đó tiêu biểu là thảm cỏ biển gắn liền với loài động vật quý hiếm là bò biển,… KDTSQ Kiên Giang bao gồm các địa phận các huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải. Trong đó, có 3 khu chính là Vườn quốc gia U Minh Thượng, VQG Phú Quốc, và Rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương - Kiên Hải.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An: Đây là KDTSQ thứ 6 của Việt Nam được UNESCO công nhận vào tháng 9/2007 với trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là KDTSQ có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285 ha, thuộc địa bàn 9 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn. Vườn quốc gia Pù Mát làm trung tâm đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động, thực vật với đầy đủ đại diện của 4/5 lớp quần hệ (rừng thưa, rừng kín, cây bụi và cây thảo). Trong đó, có 3 vùng lõi: Vườn quốc gia Pù Mát; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Ba khu này tạo nên sự liên tục về các sinh cảnh duy trì hiệu quả bảo tồn ĐDSH thông qua việc giảm bớt khó khăn về chia cắt nơi sống do các hoạt động kinh tế của con người tạo ra.
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau: Tại kỳ họp thứ 21, Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB) trực thuộc Ủy ban UNESCO (tháng 5/2009) đã chính thức đưa Cù Lao Chàm - Hội An (Quảng Nam) và Mũi Cà Mau vào danh sách KDTSQ thế giới. Đây cũng là địa danh được công nhận là khu du lịch quốc gia bởi Mũi Cà Mau là cột mốc toạ độ quốc gia.
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có diện tích 371.506 ha với 3 vùng: Vùng lõi 17.329 ha, vùng đệm 43.309 ha và vùng chuyển tiếp 310.868 ha. Tại vùng lõi được chia làm 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và dãy phòng hộ ven biển phía Tây. Nơi đây, có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng tràm trên đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển,… mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao.
Khu dự trữ sinh quyển - Cù Lao Chàm: Tháng 10/2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập để giữ gìn sinh vật hoang dã trên đảo, là 1 trong 15 khu bảo tồn biển của Việt Nam vào thời điểm 2007. Ngày 29/5/2009, Cù Lao Chàm (Hội An) được UNESCO công nhận là KDTSQ thế giới tại Việt Nam.
Cù lao Chàm là một cụm đảo xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15 km. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông,… Đây còn là địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rặng san hô ở khu vực biển cù lao Chàm được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ.
Khu dự trữ sinh quyển - Lang Biang: Tại kỳ họp lần thứ 27, tháng 6/2015, Hội đồng Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO đã công nhận Lang Biang là KDTSQ thế giới tại Việt Nam, đưa tổng số KDTSQ thế giới tại Việt Nam lên con số 9.
Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang có diện tích 275.439 ha nằm ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. Các nhà khoa học ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam (2007) và 154 loài có tên trong danh Lục Đỏ IUCN (2010). Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) cũng đã xác định nơi đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (khu vực SA3) trong chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn của Việt Nam.
Định hướng quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam
Thực tế hoạt động thời gian qua cho thấy, việc quản lý, vận hành các khu DTSQ đạt được một số kết quả nhất định: Nhận thức các cấp, ngành về vai trò, chức năng của KDTSQ ngày càng được nâng cao; các KDTSQ nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế, dự án quốc tế, các nhà khoa học trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên. Nhiều sáng kiến, mô hình bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH; cải thiện sinh kế; phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại các KDTSQ được triển khai thực hiện thành công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều khó khăn, thách thức được đặt ra. Mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, hướng tới tầm nhìn 2050 của Chiến lược toàn cầu về bảo tồn ĐDSH là “sống hài hòa với thiên nhiên”. Các nhà khoa học Việt Nam thời gian qua đã đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn các KDTSQ; trong đó đáng chú ý có một số kiến nghị:
Kiện toàn công tác quản lý các KDTSQ, trong đó thể chế chế hóa chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức quản lý; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý các KDTSQ cho các bộ, ngành liên quan và địa phương. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan; xây dựng mô hình quản lý tại các KDTSQ từ cấp trung ương đến địa phương. Xây dựng Chiến lược phát triển các KDTSQ trình cấp thẩm quyền ban hành theo hướng tiếp cận quản lý các KDTSQ của Việt Nam. Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, quản lý cho các KDTSQ, hướng dẫn lập kế hoạch quản lý các KDTSQ; hướng dẫn xây dựng các mô hình quản lý TNTN, các mô hình cải thiện sinh kế cộng đồng,... Đối với các KDTSQ tiềm năng cần hướng dẫn quy trình, cũng như nội dung hồ sơ đề cử trở thành KDTSQ. Tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức, quảng bá cho các bên liên quan về giá trị vai trò cũng như tham gia trong công tác quản lý các KDTSQ. Thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu cho các KDTSQ trong hệ thống cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia. Tiếp tục huy động nguồn lực, sự tham gia các tổ chức quốc tế, các dự án hỗ trợ cho các KDTSQ.
Hiện tại, Bộ TN&MT đang phối hợp với UNDP thực hiện dự án “Lồng ghép quản lý TNTN và các mục tiêu về bảo tồn ĐDSH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các KDTSQ ở Việt Nam”. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ và được thực hiện trong giai đoạn 2019-2024.
THANH BÌNH