Bảo đảm điều kiện để kinh doanh tín chỉ các-bon rừng

12/08/2024

TN&MTViệt Nam có lợi thế rất lớn với trữ lượng rừng phong phú và đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, hiện thực hóa cam kết Net-Zero, thông qua việc xây dựng các dự án tín chỉ các-bon. Cùng với việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, ngành lâm nghiệp đang tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm đáp ứng các điều kiện để kinh doanh tín chỉ các-bon rừng…

Bảo đảm điều kiện để kinh doanh tín chỉ các-bon rừng

Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân (Phú Yên) lựa chọn giống cây lâm nghiệp để trồng rừng

Với tổng diện tích rừng hơn 14,8 triệu héc-ta, độ che phủ rừng đạt 42,02%, ước tính mỗi năm, rừng Việt Nam hấp thụ trung bình từ 50 đến 70 triệu tấn các-bon (CO2). Thông qua thị trường các-bon, rừng có thể tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nếu xuất khẩu thành công, mang lại giá trị rất lớn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và thu nhập cho người dân sống phụ thuộc vào rừng.

Tiềm năng lớn nhưng khó triển khai

Tín chỉ các-bon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ các-bon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường các-bon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.

Để triển khai đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính” ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, tập trung giảm phát thải được tạo ra từ các hoạt động bảo vệ rừng; hạn chế mất rừng, suy thoái rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Tăng hấp thụ được tạo ra từ các hoạt động bảo vệ rừng, trồng rừng mới, phục hồi, nâng cao chất lượng rừng…

Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam đang triển khai chương trình chuyển nhượng kết quả tín chỉ các-bon rừng, đó là “Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA)” được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng cho WB 10,3 triệu tấn CO2 (có thể tăng thêm tối đa 5 triệu tấn CO2), đơn giá là 5 USD/tấn CO2, tổng giá trị chi trả là 51,5 triệu USD, trong đó 95% lượng chuyển nhượng sẽ được tính vào NDC của Việt Nam. Để thực hiện ERPA này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 quy định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính ERPA.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đang chuẩn bị đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo Ý định thư (LoI) đã ký ngày 31/10/2021. Theo đó, dự kiến Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2021-2025. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent sẽ được tính vào cam kết NDC của Việt Nam.

Về các chương trình, đề án chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ các-bon rừng, thời gian qua, một số tỉnh như Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa đã đề xuất xây dựng và triển khai đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ các-bon rừng. Tuy nhiên, đến nay các tỉnh này chưa thực hiện do thiếu quy định pháp luật và các hướng dẫn chi tiết. Hiện đang có những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dịch vụ các-bon rừng.

Đó là, chính sách và quy định pháp lý đã hình thành nhưng thiếu quy định, hướng dẫn chi tiết để có thể triển khai dịch vụ. Trong đó, bao gồm quyền sở hữu các-bon rừng, quy định về trao đổi, chuyển nhượng các-bon rừng, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ các-bon rừng; hạn ngạch giảm phát thải đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC và tiềm năng tín chỉ các-bon rừng có thể thương mại của từng địa phương chưa được xác định, phân bổ. Cùng với đó, thông tin, nhận thức của nhiều bên liên quan đến dịch vụ các-bon rừng còn nhiều hạn chế như: thế nào là tín chỉ các-bon rừng, phương thức tạo tín chỉ, phương pháp tính toán tín chỉ cũng như hướng dẫn về thẩm định, xác minh, cấp tín chỉ…

Theo Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng, cùng với hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng, công tác bảo vệ và phát triển rừng luôn được coi trọng và đẩy mạnh, tiềm năng về chuyển nhượng tín chỉ các-bon của Việt Nam đang được thế giới đánh giá rất cao và mong muốn chia sẻ, lan tỏa đến các nước có rừng khác trên thế giới. Với những nỗ lực của mình, các địa phương và ngành lâm nghiệp đang tập trung đẩy mạnh các thủ tục, cơ chế pháp lý liên quan nhằm nghiên cứu, hoàn thiện điều kiện kinh doanh tín chỉ các-bon rừng theo lộ trình mà Chính phủ đã đề ra.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý

Để các địa phương chủ động trong xây dựng, triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng, ngày 26/7, Cục Lâm nghiệp đã có Công văn số 1108/LN-KH&HTQT, gửi ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố. Trong đó nêu rõ, thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng (dịch vụ các-bon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ các-bon rừng. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, chi tiết và cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, Cục Lâm nghiệp cung cấp thông tin để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tham khảo và cùng quan tâm hợp tác, triển khai đối với loại dịch vụ này. Hiện nay, các bộ, ngành đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện thể chế, kỹ thuật và năng lực để triển khai thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới như xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon trong nước…

Để chuẩn bị và sẵn sàng triển khai dịch vụ các-bon rừng, Cục Lâm nghiệp thông tin, khuyến nghị dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng là vấn đề mới, hiện mới được thí điểm tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để triển khai, đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Việc thương mại, trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon rừng với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phải tuân thủ quy định pháp luật và chỉ được thực hiện đối với lượng giảm phát thải dôi dư sau khi đã hoàn thành trách nhiệm đóng góp NDC theo hạn ngạch được phân bổ.

Do đó, đề nghị các địa phương chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp để triển khai các biện pháp giảm phát thải, tăng hấp thụ trên diện tích rừng quản lý để triển khai Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp tại Quyết định số 1693/KH-BNN-KHCN ngày 28/4/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ sở đề xuất, triển khai các dự án chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng…

Thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách để triển khai dịch vụ các-bon rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ các-bon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030 và có tính đến năm 2050. Phân bổ hạn ngạch giảm phát thải từ rừng cho các vùng sinh thái, các địa phương hằng năm giai đoạn 2021 đến năm 2030 để thực hiện mục tiêu NDC.

Tập trung xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ các-bon rừng và quy định chi tiết về hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ các-bon rừng. Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống đăng ký, quản lý tín chỉ các-bon rừng. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tăng cường năng lực cho các bên liên quan về phương thức tạo và trao đổi, thương mại tín chỉ các-bon rừng. Tham mưu tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (ERPA) với Tổ chức tăng cường tài chính trong lâm nghiệp (Emergent) và các đối tác khác.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị về việc hoàn thiện “Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam” đã nêu rõ, phát triển thị trường các-bon phù hợp với điều kiện đất nước và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước. Đề án sau khi được phê duyệt sẽ là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, cơ quan triển khai các nhiệm vụ cụ thể, sớm hình thành thị trường các-bon trong nước, là công cụ chính sách quan trọng để thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia thị trường các-bon thế giới, đồng thời tạo thêm dòng tài chính mới.

Tuy vậy, đây là vấn đề mới, khó, phức tạp, nếu không tạo được các khung khổ pháp lý đồng bộ để quản lý phù hợp sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó đạt các mục tiêu đã đề ra. Thực tiễn này đòi hỏi phải có nghiên cứu kỹ lưỡng bối cảnh, tình hình trong nước, khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước đã vận hành thị trường các-bon, để thị trường các-bon Việt Nam được thành lập, vận hành và quản lý chặt chẽ, phù hợp, hiệu quả, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người dân…

Theo nhandan.vn

Tin tức

Hội nghị Trung ương 10: Cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

Đảng ủy Bộ TN&MT quán triệt, triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị

Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ tổ chức Hội nghị về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Tài nguyên

Thăm dò, quản lý trữ lượng, tài nguyên khoáng sản: Hướng đến khai thác bền vững

Sơn La: Hoàn thành điều tra, đánh giá ô nhiễm đất

Cần Thơ: Phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành

Thừa Thiên - Huế: Tập trung nguồn lực để tuyên truyền hiệu quả Luật Đất đai 2024 vào thực tiễn

Môi trường

Nguy cơ lũ lụt cao khi bão số 4 đổ bộ

Bảo vệ môi trường di sản quần thể danh thắng Tràng An

Khắc phục sự cố vỡ đập bùn thải quặng đuôi tại Bắc Kạn

Khẩn trương kiểm soát ô nhiễm môi trường sau mưa lũ

Video

Điều chỉnh bảng giá đất phải tuân thủ quy định tại Nghị định 71/2024/NĐ-CP

Kết quả bước đầu kiểm tra 2 cuộc đấu giá đất tại huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức

Bộ TN&MT phổ biến các Nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024

Bộ TN&MT mong muốn được lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Luật Đất đai 2024

Khoa học

Bài 2: Đề xuất tiêu chí ảnh Viễn thám sử dụng trích xuất thông tin vùng ảnh hưởng do thiên tai

Dữ liệu viễn thám phục vụ cảnh báo, dự báo thiên tai

Sử dụng ảnh vệ tinh radar đánh giá nhanh thiệt hại do bão và vùng lũ lụt

Cần có giải pháp đồng bộ về cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét

Chính sách

CÔNG ĐIỆN: Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới

Thanh Hóa: Khu du lịch sinh thái biển Du Xuyên chậm tiến độ kéo dài, vi phạm các quy định của luật đất đai

Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau bão

Phát triển

Bốc thăm chia bảng giải bóng đá “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp” lần VI - năm 2024

Hàng triệu trái tim người dân Đắk Lắk hướng về đồng bào vùng lũ miền Bắc

Quản lý thị trường Lào Cai chung tay cùng người dân địa phương vượt lũ

Phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Diễn đàn

Bão số 4 gây mưa lớn: Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam đề phòng lũ quét và sạt lở đất

Tin Bão khẩn cấp - Cơn bão số 4

Thời tiết ngày 19/9: Bão số 4 khiến khu vực Trung Bộ mưa to đến rất to

Bão Yagi: Hành trình không bao giờ quên của dự báo viên khí tượng thủy văn