
Báo cáo tiến độ xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
08/12/2022TN&MTThứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành vừa có buổi làm việc với Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về Dự thảo Luật TNN (Sửa đổi).
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý TNN Châu Trần Vĩnh cho biết, ngày 20/9/2022, Bộ TN&MT đã gửi Văn bản số 5544/BTNMT-TNN đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật TNN (sửa đổi). Ngày 02/11/2022, Cục đã trình Bộ ký Công văn số 6566/BTNMT-TNN đôn đốc cho ý kiến dự thảo Luật. Đến nay, Cục Quản lý TNN đã nhận được ý kiến góp ý của 20/21 bộ, cơ quan ngang bộ; 63/63 Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/Sở TN&MT; 19/28 đơn vị trực thuộc Bộ; 10 tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức sử dụng nước lớn; 12 chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực TNN và không có ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ tại Văn bản số 1071/TTĐT-DLĐT ngày 01/12/2022.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì buổi làm việc
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, chuyên gia; và các ý kiến góp ý tại các Hội thảo miền Bắc, miền Trung và miền Nam, Cục Quản lý TNN đã tổng hợp các nội dung góp ý, bao gồm: Cấp phép khai thác, sử dụng nước đối với mục đích không tiêu hao (tạo cảnh quan nước, sử dụng nước,…); điều hòa phân phối nguồn nước; xã hội hóa; hồ, ao không san lấp; tiền cấp quyền khai thác TNN; kinh phí từ ngân sách phát sinh sau khi sửa đổi Luật TNN.
Theo đó, về cấp phép khai thác, sử dụng nước đối với mục đích không tiêu hao (tạo cảnh quan nước, sử dụng nước,…). Trong dự thảo Luật TNN sửa đổi đã dự thảo phương án đối với mục tiêu không tiêu hao dự kiến không cấp phép, thay vào đó chỉ thực hiện có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nước nước, cụ thể: Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đào hồ, ao, đầm, tạo không gian thu, trữ nước, tạo cảnh quan thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về TNN trước khi triển khai thực hiện.
Về nội dung điều hòa phân phối nguồn nước, Dự thảo Luật TNN sửa đổi đã dự thảo quy định hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan chuyên môn công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông, trên cơ sở kịch bản nguồn nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương theo thẩm quyền chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng nước.
Ngoài ra, dự thảo quy định bổ sung khi lưu vực sông dự báo xảy ra hạn hán, thiếu nước, quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng phương án điều hoà, phân phối TNN để chỉ đạo lập kế hoạch khai thác, sử dụng nước cho phù hợp.
Dự kiến nội dung chính của phương án điều hòa, phân phối nguồn nước dự thảo trong Nghị định hướng dẫn gồm: Xác định lượng nước có thể khai thác trên lưu vực sông các theo kịch bản nguồn nước; Nhu cầu sử dụng nước của các ngành; Thứ tự ưu tiên sử dụng nước của các ngành, địa phương; thứ tự các đối tượng khai thác, sử dụng nước phải hạn chế lượng nước khai thác, sử dụng tương ứng với kịch bản nguồn nước; Phương án vận hành các công trình điều tiết trên lưu vực sông để đáp ứng nhu cầu nước theo kịch bản; phương án luân phiên nguồn nước có thể khai thác theo kịch bản nguồn nước; Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương theo kịch bản nguồn nước.
Đối với vấn đề xã hội hóa, Dự thảo đã quy định cụ thể các hoạt động bảo vệ, phát triển, phục hồi nguồn nước, trữ nước được khuyến khích sử dụng nguồn vốn xã hội hoá tại Điều 73. Đồng thời quy định các Tổ chức tham gia thực hiện các hoạt động xã hội hóa được hưởng ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, tiền cấp quyền khai thác TNN và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
Quang cảnh buổi làm việc
Về nội dung về hồ, ao không san lấp, Dự thảo Luật TNN sửa đổi đã quy định cụ thể danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp được, gồm: các hồ, ao, đầm, phá có chức năng điều hoà, cấp nước, phòng, chống ngập, úng, tạo cảnh quan sinh thái, có giá trị cao về đa dạng sinh học; liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, bảo tồn văn hóa không được san lấp và phải được lập danh mục để quản lý, bảo vệ; Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp được lập, công bố và rà soát, điều chỉnh theo quy định. Đồng thời, quy định Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Dự kiến dự thảo Nghị định quy định cụ thể về tiêu chí, trình tự lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để quản lý, bảo vệ.
Liên quan đến các ý kiến góp ý về tiền cấp quyền khai thác TNN, Dự thảo Luật TNN bổ sung quy định tiền cấp quyền cho mục đích sinh hoạt nhằm đảm bảo mục đích công bằng giữa các đối tượng sử dụng, đảm bảo mục đích nâng cao ý thức trong khai thác sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Cục Quản lý TNN tiếp tục rà soát các nội dung của Dự thảo Luật TNN (sửa đổi) nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất và tránh chồng chéo với các quy định của Chính phủ, các Luật liên quan. Đặc biệt, Cục cần rà soát kĩ về các nguồn vốn ngân sách tránh trường hợp phát sinh không hợp lý trong dự thảo Luật TNN (sửa đổi).
Thanh Thanh