Bằng mô hình nhận biết thuộc tính đánh giá tính bền vững trong sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh
01/11/2021TN&MTBài báo đã thực hiện đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao tính bền vững sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững. Thực hiện đánh giá đối với 04 hệ thống canh tác (lúa màu, cao su, khoai mì và mía), kết quả đánh giá sẽ làm cơ sở khoa học cho công tác LQH&KH SDĐ của huyện Dương Minh Châu hiện nay.
Bài báo đã xây dựng bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững cho huyện Dương Minh Châu gồm 28 chỉ thị (08 chỉ thị kinh tế, 09 chỉ thị xã hội và 11 chỉ thị môi trường), bằng mô hình nhận biết thuộc tính (ARM) đánh giá tổng hợp cho thấy Dương Minh Châu thể hiện rõ ở mức bền vững trung bình, có chỉ số bền vững 2,98.
Mở đầu
Dương Minh Châu hiện có diện tích đất nông nghiệp rất lớn, cơ cấu nông nghiệp này đã hình thành rất lâu đời, do hoạt động canh tác điều có ảnh hưởng đến xã hội, môi trường, từ đó làm cho đất đai ngày càng xấu đi. Chính vì vậy, bằng mô hình nhận biết thuộc tính đánh giá tính bền vững trong SDĐ nông nghiệp trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh là rất cần thiết.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thu thập tài liệu: Thu thập thông tin từ các nguồn nghiên cứu từ các sách báo, tạp chí, các đề tài, dự án nghiên cứu có liên quan như: Niên giám thống kê Tỉnh Tây Ninh xuất bản từ năm 2011 đến 2017; số liệu về lâm nghiệp thu thập tại Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Tây Ninh; số liệu về khí tượng, khí hậu, quan trắc môi trường thu thập tại Sở TN&MT Tây Ninh; bản đồ huyện Dương Minh Châu...
Phương pháp khảo sát thực địa và tham vấn nông hộ: Khảo sát tình hình sản xuất thực địa của nông hộ theo từng xã và 4 loại hình canh tác là cao su, khoai mì, mía và lúa – ngô trên địa bàn huyện. Đối với các loại hình SDĐ lựa chọn để nghiên cứu điển hình tiến hành mời 20 - 25 hộ dân cùng cán bộ xã để tham vấn ý kiến về tình hình hoạt động sản xuất nông nghiệp, BVMT, năng suất, sản lượng, chi phí, công lao động và các chỉ tiêu khác.
Phương pháp nhận biết thuộc tính: Phương pháp này sử dụng để phân bậc mức độ bền vững đánh giá từng mặt cho từng chỉ thị ở 3 lĩnh vực hiệu quả, mô hình nhận biết thuộc tính theo lý thuyết của CHEN Qian-sheng (1997) và được phát triển trên cơ sở phương pháp đánh giá tổng hợp mờ, có thể khắc phục tình trạng mất thông tin hiện có trong phương pháp đánh giá tổng hợp mờ. Hiện nay, phương pháp nhận dạng thuộc tính đã đạt được thành công ứng dụng trong các lĩnh vực đánh giá chất lượng môi trường đô thị, môi trường không khí, chất lượng nước và PTBV. Mức độ ảnh hưởng của mỗi chỉ số đánh giá sẽ xác định khi sử dụng phương pháp nhận dạng thuộc tính.
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Điều kiện đất đai liên quan đến tính bền vững trong nông nghiệp
Bảng 1. Điều kiện đất đai liên quan đến nông nghiệp bền vững
Xét về mặt tài nguyên đất đai đa số huyện có nhóm đất xám chiếm tỷ trọng lớn nhất (>60% so với diện tích tự nhiên), đất phù sa chiếm tỷ lệ thấp hơn. Có tầng kết von ở sâu > 50 cm, độ dốc 0-3o, tầng dầy đa số trên địa bàn huyện đều lớn hơn 100cm, là một trong những loại đất có nhiều ưu điểm về đặc tính lý hóa học, phân bố ở địa hình khá bằng phẳng. Địa hình đồi đỉnh bằng, lượn sóng nhẹ, độ cao tuyệt đối từ 18 đến 148,5m; song phổ biến là 40m-60m, địa hình có xu hướng thấp dần từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam.
Xét về khí hậu huyện có nhiệt độ cao đều quanh năm, nhiệt độ trung bình năm 26,60C, giá trị trung bình cao thường xuất hiện vào các tháng III-VI, (27,6-28,30C); nhiệt độ thấp thường xuất hiện trong tháng 12 và tháng 2, giá trị trung bình thấp (24,8-25,40C); biên độ nhiệt độ trung bình năm đạt 3,0-3,50C; biên độ nhiệt ngày đêm lại khá cao, từ 8-100C vào các tháng mùa khô. Tổng tích ôn hằng năm khá lớn, trung bình nhiều năm 9.8550C/năm. Tổng số giờ nắng 2.888 giờ/năm, đặc biệt trong suốt thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, trung bình mỗi tháng có 266-300 giờ nắng. Chế độ nhiệt cao, ổn định và biên độ nhiệt khá lớn là yếu tố thích hợp để phát triển cây trồng, đặc biệt là các loại cây công nghiệp và cây có củ; cũng như quá trình phân giải hữu cơ và biến đổi trạng thái vật chất trong đất. Gió mùa Tây Nam xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 10, tốc độ gió trung bình 1-3m/s; gió mùa Đông Bắc xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau tốc độ gió trung bình 2-4m/s.
Kết quả đánh về tính bền vững trong sử đất nông nghiệp
Áp dụng mô hình nhận biết thuộc tính (ARM) tính toán được giá trị thuộc tính từng chỉ thị qua các năm cho dữ liệu thu thập được 2013 - 2017, kết hợp với trọng số và tích hợp các chỉ thị thuộc chủ đề KT-XH&MT, tác giả kết luận về bậc bền vững của huyện như sau:
Bảng 2. Kết quả đánh giá giai đoạn 2013 - 2017
Về mặt kinh tế: Các chỉ thị thể hiện rõ ở mức bền vững trung bình (xác suất 48,3%), khá bền vững xác suất 19,8%, bậc rất bền vững xác suất 14,5%, các chỉ thị không bền vững và kém bền vững xác suất 17,5%. Các chỉ thị kém bền vững cần cải thiện là: Giá trị sản xuất hàng năm cho thời kỳ KD cây cao su chỉ đạt 78 triệu; Tổng lợi nhuận đạt được/ha lúa - màu chỉ đạt 53 triệu; Tổng lợi nhuận đạt được hàng năm cho thời kỳ KD/ha cây cao su chỉ đạt 47 triệu.
Về mặt xã hội: Những chỉ thị thể hiện rõ ở mức khá bền vững (xác suất 38,5%), bậc rất bền vững nằm ở xác suất 30,4%, bậc bền vững trung bình xác suất 24,2%, các chỉ thị không bền vững và kém bền vững xác suất 6,90%. Nguyên nhân do một số chỉ thị còn kém hiệu quả như: Công lao động hằng năm cho thời kỳ KD/ha cây cao su chỉ đạt 207 công; Công lao động/ha mía chỉ đạt 98 công; Giá trị gia tăng/LĐ lúa - màu chỉ đạt 328,36 nghìn/công lao động).
Về mặt môi trường đa số các chỉ thị thể hiện rõ ở mức không bền vững (xác suất 47,5%), bậc kém bền vững xác suất 27,2%, bậc bền vững trung bình xác suất 22,1%, còn lại các chỉ thị khá bền vững và rất bền vững xác suất 3.1%. Các chỉ thị kém hiệu quả nhất là: Mức sử dụng phân bón/ha lúa - màu vượt quá 925 kg/ha; Mức sử dụng phân bón/ha khoai mì vượt quá 270 kg/ha; Mức sử dụng phân bón/ha mía vượt quá 680 kg/ha; Mức sử dụng thuốc BVTV/ha lúa - màu vượt quá 4,95 lít/ha; Mức sử dụng thuốc BVTV hằng năm cho thời kỳ KD/ha cây cao su vượt quá 20,50 lít/ha; Mức sử dụng thuốc BVTV/ha khoai mì vượt quá 1,05 lít/ha; Mức sử dụng thuốc BVTV/ha mía vượt quá 4,45 lít/ha.
Kết luận
Bài báo đã xây dựng bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững trong SDĐ nông nghiệp gồm 28 chỉ thị ở lĩnh vực KT-XH&MT. Bằng mô hình nhận biết thuộc tính đánh giá tổng hợp có thể thấy rằng chỉ số bền vững của huyện tương đối trung bình (2,98/5) thuộc khoảng [2,6-3,4]. Xét về mô hình nhận biết thuộc tính thì huyện có mức bền vững trung bình xác suất 31,5%; bền vững khá xác suất 19,6%; rất bền vững xác suất 15,8%; không bền vững xác suất 20,2% và kém bền vững xác suất 12,8%. Từ kết quả này tác giả đề xuất được một số giải pháp nhằm nâng cao tính bền vững trong SDĐ nông nghiệp huyện Dương Minh Châu trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
1. J. W. Hansen. Is Agricultural Sustainability a Useful Concept? Agricultural Systems. University of Florida, Agricultural and Biological Engineering Department, Gainesville, USA.
2. Dariush Hayati, Zahra Ranjbar, and Ezatollah Karami. Measuring Agricultural Sustainability. Agroforestry and Conservation Agriculture, Sustainable Agriculture Reviews, Springer Science Business Media B.V. 2010.
3. John Idowu and Robert Flynn (2013). Understanding Soil Health for Production Agriculture in New Mexico. NM State University, Cooperative Extension Service.
TRƯƠNG CÔNG PHÚ
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh
CHẾ ĐÌNH LÝ
Viện Môi trường và Tài nguyên TP. Hồ Chí Minh
BÙI XUÂN AN
Trường Đại học Hoa Sen TP. Hồ Chí Minh