
Chiều 21/6, trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã phát biểu tiếp thu, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết cơ quan soạn thảo đã có báo cáo dài 170 trang bước đầu nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại cuộc họp tổ.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể Nhân dân cả nước thời gian qua đã rất quan tâm tham gia góp ý; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo và cho ý kiến kết luận; các đại biểu Quốc hội trong quá trình chỉnh lý luật, thường xuyên góp ý kiến rất trách nhiệm và rất sát, đúng với tình hình thực tiễn cũng như định hướng lâu dài.
Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội đã tham gia nhiều cuộc phản biện, góp ý; các địa phương; các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp đã góp ý rất nhiều ý kiến cho Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ trưởng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo đã cố gắng phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thực hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát định hướng của Nghị quyết số 18 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Thông qua quá trình lấy ý kiến của Nhân dân, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình các ý kiến, từ đó đã hoàn thiện được dự thảo luật, đó là có một bước tiến rất quan trọng về chất lượng của dự thảo luật.
Để đảm bảo tính thống nhất và tránh chồng chéo giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự thảo luật, đối với các luật được ban hành trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành sẽ rà soát luật nào có quy định mâu thuẫn, xung đột thì quy định cụ thể về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ngay tại dự thảo luật, bảo đảm có hiệu lực đồng bộ và bảo đảm tính khả thi; đối với các luật đã có như Luật Giá, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công chứng, Luật Đấu thầu,… sẽ được rà soát, thống nhất quy định với Luật Đất đai (sửa đổi) khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát quy định về tài chính đất, giá đất, đánh giá đầy đủ tác động, nghiên cứu kỹ lưỡng chi phí đất đai là chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, chính sách tài chính đất đai và đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư, đảm bảo đất đai là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi và làm rõ những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm như nguyên tắc, phương pháp định giá đất, áp dụng bảng giá đất, giá đất cụ thể và phương pháp tính định giá đất, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ khung giá đất và sẽ thực hiện bảng giá đất hàng năm. Khi Luật Đất đai có hiệu lực sẽ xây dựng bảng giá đất hàng năm. Bảng giá đất đầu tiên dự kiến sẽ xong trước ngày 31/12/2025. Bảng giá đất này có quá trình xây dựng khó khăn nhất, cần dùng các phương pháp để có bảng giá đất sát, đúng, giao cho HĐND cấp tỉnh thông qua bảng giá đất này. Hằng năm chúng ta sẽ cập nhật sự thay đổi về giá đất vào bảng giá đất này.
Nhiều đại biểu quan tâm đến phương pháp định giá đất, Dự thảo luật đưa ra 4 phương pháp: So sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập và hệ số điều chỉnh. 4 phương pháp này sẽ bao trùm tất cả những trường hợp đất đai hiện nay, mọi trường hợp về đất đai đều có thể giải quyết được.
Về định giá đất cụ thể, tùy theo từng trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định thực hiện phương pháp nào, yêu cầu là đảm bảo không có tiêu cực, phòng, chống tham nhũng, sát nhất với thị trường và đảm bảo công bằng.
Trao đổi về thực hiện đấu giá, đấu thầu, giao đất, cho thuê đất theo thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định sẽ ưu tiên việc đấu giá đất, đất này phải là đất sạch, đã được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng. Nhà nước đứng ra đấu giá đất theo đúng với quy hoạch. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư, nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn tại sao lại 5 hecta, 10 hecta, tại sao quy định như thế này. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ nghiên cứu việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhiều các đại biểu nêu ý kiến theo tinh thần Nghị quyết 18 phải đảm bảo cho Nhân dân có một cuộc sống bằng, tốt hơn nơi ở cũ. Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, cuộc sống bằng và hơn nơi ở cũ không phải là điều kiện sống về hạ tầng mà cần điều tra xã hội học, chọn vị trí tái định cư là rất quan trọng, cần phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, tính cộng đồng và phù hợp với dân tộc. Chính quyền địa phương phải quyết định tái định cư như thế nào, từ đó sẽ tham khảo, đối thoại với Nhân dân để quyết định nơi tái định cư, về lâu dài phải đảm bảo được sinh kế và cuộc sống của người dân.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các đại biểu trao đổi đừng để quy hoạch, kế hoạch treo, nhân dân chờ đợi. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đồng tình với phương án này. Theo Luật Quy hoạch cần quy hoạch tổng thể quốc gia, từ đó sẽ có quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch các vùng, quy hoạch các tỉnh rồi quy hoạch chung đô thị. Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ căn cứ vào các quy hoạch này. Nếu làm tốt định hướng các quy hoạch thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ không bị treo, do đó đòi phải có tính đồng bộ trong quy hoạch.
Về giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số được rất nhiều đại biểu quan tâm. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh giải thích, các địa phương đang còn có loại đất của các tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp giao rừng sản xuất gắn với nơi ở của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng không sản xuất, không làm. Luật Đất đai sẽ cố gắng đưa vào luật những đơn vị, tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp mà giao đất không hiệu quả sẽ thu hồi để tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Quỹ đất cần mở rộng ra, nhưng có thứ tự ưu tiên vùng khó khăn trước và vùng sau. Đặc biệt, việc giao đất có thu tiền cho lực lượng công an hay quân đội, có đại biểu bổ sung ý kiến thêm cho lực lượng giáo viên, y tế ở xã biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số ít người. Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu và tiếp thu.
Một nội dung nữa cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đó là việc khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp. Theo Bộ trưởng, cần khuyến khích giải quyết việc tranh chấp từ cơ sở, không để lên cấp cao hơn, đặc biệt càng không để lên cấp Trung ương. Do đó cần khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải, nếu không hòa giải được thì công dân có quyền lựa chọn Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tòa án là nơi giải quyết vấn đề của mình, đấy chính là tôn trọng quyền tự do của Nhân dân.
Một số ý kiến khác như thu hồi đất kinh tế, tách dự án giải phóng mặt bằng, hành lang an toàn giao thông, cơ sở dữ liệu đất đai, các hành vi bị cấm… Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh xin tiếp thu và sẽ tổng hợp đầy đủ.
Tú Quyên