Bán tín chỉ Carbon tại Quảng Bình: Lợi ích kép nhưng còn nhiều vướng mắc
03/10/2024TN&MTKhông chỉ mang lại nguồn tài chính cho bộ phận quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng tại Quảng Bình, tín chỉ carbon còn là nhân tố quan trọng trong giảm thiểu đáng kể những tác động của biến đổi khí hậu tới môi trường sống, hạn chế suy thoái rừng, giảm phát thải khí nhà kính. Song vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình chi trả tiền đến từng đối tượng hưởng lợi cần sớm được tháo gỡ, có hướng dẫn cụ thể.
Thu lợi tài chính, giảm thiểu biến đổi khí hậu
Trong năm 2023, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được một thành tựu đáng kể khi lần đầu tiên tiến hành bán thành công tín chỉ carbon rừng trên thị trường quốc tế. Cụ thể, Việt Nam đã bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, tương đương với 10,3 triệu tấn CO2, thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với mức giá 5 USD mỗi tấn. Giao dịch này đã mang về cho Việt Nam 51,5 triệu USD, tương đương khoảng 1.250 tỷ đồng. Đây là một bước tiến quan trọng, không chỉ về mặt tài chính mà còn về cam kết của Việt Nam trong việc tham gia các nỗ lực toàn cầu để giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa
Tín chỉ carbon, hay còn gọi là chứng chỉ phát thải carbon, là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Nó cho phép các quốc gia, doanh nghiệp, hoặc tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, góp phần giảm lượng CO2 thải ra không khí. Ở nước ta, hiện nay có 23 địa phương có sẵn dịch vụ lưu trữ carbon. Tuy nhiên, chỉ có 6 địa phương được cấp phép mua bán tín chỉ carbon, gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, và Quảng Trị. Những địa phương này đã được chọn lựa dựa trên tiềm năng và khả năng quản lý rừng hiệu quả, cũng như cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tại Quảng Bình hiện có trên 590.000ha rừng, trong đó trên 469.000ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng 68,70%, chất lượng rừng ở Quảng Bình còn khá tốt, trữ lượng trên 50 triệu m3. Rừng tự nhiên của tỉnh chủ yếu được giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng và các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã,… quản lý, bảo vệ.
Để bảo vệ rừng theo hướng bền vững, ngày 28/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (KNK) vùng Bắc Trung bộ.
Xác định tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực mua bán tín chỉ carbon rừng, Quảng Bình đã sớm đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ (REDD+ là sáng kiến nhằm giảm phát thải KNK thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và tăng cường trữ lượng carbon rừng).
Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Quảng Bình sẽ chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2 và được chi trả khoảng 235 tỉ đồng. Riêng năm 2023, Quảng Bình được nhận 82,4 tỉ đồng (cao thứ hai trong 6 tỉnh của khu vực).
Nguồn kinh phí 82,4 tỉ đồng từ việc bán tín chỉ carbon sẽ được chi trả, phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng. Trong đó, 80 tỉ đồng sẽ tiến hành chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là chủ rừng, bao gồm: 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 UBND cấp xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 9 chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng. Còn 2,4 tỉ đồng được trích tại tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình. Theo thống kê, diện tích rừng tự nhiên được chi trả là 469.317 ha, bình quân số tiền chi trả trên đơn vị diện tích là khoảng 170.000 đồng/ha.
Nội dung chi trả bao gồm: Hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính (bảo vệ rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, các biện pháp lâm sinh); hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế và công tác quản lý.
Bán tín chỉ carbon sẽ góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng của một bộ phận lớn người dân
Vướng mắc trong quá trình chi trả tiền
Bên cạnh những thuận lợi được chính phủ hỗ trợ, tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình chi trả tiền cho việc bán tín chỉ carbon. Theo đó, kế hoạch chi trả cho việc bán tín chỉ carbon là nội dung mới, thực hiện thí điểm, nên trong quá trình triển khai có phát sinh một số khó khăn đang vướng mắc trong Nghị định số 107 của Chính phủ.
Đơn cử, tại điểm c khoản 2 Điều 3 quy định nguyên tắc “chi không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước”. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách hiện hành thông qua các chương trình, dự án. Nếu thực hiện theo quy định nêu trên thì sẽ có rất ít diện tích để thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng.
Hay tại khoản 2 Điều 5 quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư, trong khi đó, thực tế tại tỉnh Quảng Bình diện tích rừng tự nhiên chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, dọc biên giới Việt - Lào là những nơi có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống. Do vậy, chủ rừng là tổ chức không thể thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư.
Cụ thể, theo quy định, các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và UBND cấp xã được giao quản lý rừng nhận số tiền này, với mức bình quân hơn 170.000 đồng/ha. Tuy nhiên, việc chi trả cho các đơn vị gặp vướng khi lực lượng tham gia bảo vệ rừng ở đơn vị đều là viên chức, đã hưởng lương của Nhà nước nên không thể nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí này.
Vẫn còn một số vướng mắc, chồng chéo trong chi trả tiền bán tín chỉ carbon
Bên cạnh đó, phần lớn diện tích rừng của Ban đã khoán cho người dân bảo vệ từ “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030,” giai đoạn 1 với số tiền 400.000 đồng/ha/năm. Do đó, bà con không thể nhận thêm hỗ trợ trong số tiền bán tín chỉ carbon.
Đơn cử tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh thực hiện ký hợp đồng bảo vệ rừng với 1.119 hộ đồng bào dân tộc miền núi của các xã Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) và xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy) từ “Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,” với số diện tích ký kết bảo vệ trên 39.500ha và số tiền chi trả mỗi năm trên 14 tỷ đồng. Do đó, không thể chi trả nếu chưa có hướng dẫn mới. Tương tự, Công ty TNHH Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình cũng được phân bổ từ nguồn kinh phí bán tín chỉ Carbon với hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị được chi 10% trên tổng số tiền cho quản lý hành chính. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này vẫn chưa thể sử dụng do chưa có hướng dẫn.
Để tiếp tục phát triển thị trường carbon, gỡ vướng trong việc giải ngân nguồn kinh phí còn “tồn đọng”, cần có hướng dẫn mới cũng như quy định cụ thể hơn từ các cấp có thẩm quyền, để các chương trình không còn chồng chéo, người giữ rừng cũng được hưởng lợi chính đáng.
Hoàng Anh