
Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé: Bảo vệ phát triển rừng gắn với đa dạng sinh học
10/03/2023TN&MTBan quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (Ban) được giao quản lý 46.730,51ha nằm trên địa bàn 05 xã biên giới gồm Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè của huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Năm 2022 vừa qua, Ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé
Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban cho biết: Năm 2022 đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân các bản vùng đệm về các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của ngành và địa phương trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường; công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim di cư và quản lý cây gãy đổ sau mưa bão. Kết quả đã tổ chức được 41 buổi tuyên truyền với sự tham gia của 1.867 lượt người và vận động 1.921 hộ gia đình ký cam kết thực hiện bảo vệ rừng đặc dụng.
Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé tổ chức lớp tập huấn về công tác bảo vệ rừng cho người dân
Cùng với đó, Ban đã tổ chức hoạt động ngoại khóa “Chúng em với rừng xanh” năm 2022 tại Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Mường Nhé với tổng số học sinh tham gia 1.025 học sinh. Mở 05 lớp tập huấn nâng cao nhận thức pháp luật lâm nghiệp, bảo vệ động vật hoang dã và chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2022 với sự tham gia của 200 người. Thực hiện biên soạn 1.250 áp phích tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã cho các thành viên nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng.
Hoạt động phối hợp tuần tra bảo vệ rừng với bảo vệ chủ quyền quốc gia
Cũng trong năm qua, đơn vị đã thực hiện phối hợp với các đơn vị vũ trang đứng chân trên địa bàn và các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức được 899 lượt tuần tra, kiểm tra với sự tham gia của 8.224 lượt người để bảo vệ lâm phần Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng tổ công tác đã phát hiện 05 hành vi vi phạm trong lĩnh lực lâm nghiệp trong Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé tại địa bàn xã Nậm Kè, Leng Su Sìn và xã Mường Nhé. Xử phạt vi phạm hành chính 04 vụ với tổng số tiền xử phạt thu nộp ngân sách nhà nước 47,3 triệu đồng.
Nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng tổ chức hoạt động tuần tra bảo vệ rừng
Bên cạnh đó, Ban đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) giai đoạn 2021- 2025 với 12 thành viên, kiện toàn 06 tổ phòng cháy chữa cháy rừng cơ sở với 51 thành viên. Đồng thời các Trạm quản lý bảo vệ rừng đặc dụng (QLBVRĐD) các xã thường xuyên phối hợp với 33 tổ PCCCR tại các bản vùng đệm và các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng với 357 thành viên. Đôn đốc 42 nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng năm 2022 tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa khô hanh năm 2021-2022. Bố trí lực lượng thường trực PCCCR, theo dõi các điểm cháy rừng trên hệ thống trang thông tin trực tuyến của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm cháy rừng có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Nhờ vậy, trong năm 2022, lâm phần Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé không xảy ra vụ cháy rừng nào.
Một cá thể Khỉ được thả về với rừng Mường Nhé
Chú trọng bảo tồn và đa dạng sinh học
Trong năm 2022 vừa qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đã xây dựng cam kết và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thả lại động vật rừng sau xử lý tịch thu vào lâm phần Khu bảo tồn đối với 19 cá thể. Trong đó có 13 cá thể Don (Atherurusmacrourus); 04 cá thể Cầy vòi mốc (Paguma larvata); 01 cá thể Mèo rừng (Prionailurus bengalensis) và 01 cá thể Nhím (Hystrix brachyura)…Các cá thể Cầy Vòi mốc và Mèo rừng đều là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/ 01/2019 của Chính phủ quy định về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, ông Chính cho biết thêm.
Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé thả Rùa về với tự nhiên
Ban cũng đã tạo điều kiện cho 05 đoàn nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đến Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé thực hiện công tác điều tra thu thập mẫu vật phục vụ công tác nghiên cứu. Kết quả thu thập được 235 mẫu rêu, 101 số hiệu tiêu bản thực vật, 46 mẫu tiêu bản Lan (20 số hiệu) và 50 mẫu tiêu bản các loài thực vật có hoa khác (25 số hiệu); 98 cá thể Dơi thuộc về 21 loài và 4 họ; mẫu của 35 nhóm động vật không xương sống; 125 mẫu mối, phân tích sơ bộ đã xác định được 36 loài thuộc 19 giống, 6 phân họ, 3 họ mối để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Cán bộ khoa học cùng với các chuyên gia nước ngoài xử lý mẫu vật tại Khu bảo tồn
Đặc biệt, Ban đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện các nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững một số loài sâm và cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé”; “xây dựng đề án khảo sát đánh giá tiềm năng du lịch sinh thái phục vụ mục tiêu phát triển du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé giai đoạn 2022 - 2030” và “Cắm mốc mới và cắm bổ sung tăng dầy mốc ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé”, ông Chính nhấn mạnh thêm.
Đỗ Hùng