Bài toán về môi trường ở một vùng bãi ngang, ven biển xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa)

10/09/2024

TN&MTXã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa là xã vùng bãi ngang, ven biển có mật độ dân số cao nhất cả nước. Trước áp lực về dân số, Ngư Lộc trở thành điểm nóng về môi trường trong nhiều năm qua, đây bài toán khó không dễ giải đối với nhiều chuyên gia, nhà quản lý. Trong nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới đời sống nhân dân, chính quyền và người dân địa phương đã đề ra hàng loạt giải pháp và áp dụng thực tiễn nhiều mô hình, chính sách thiết thực, hứa hẹn những tín hiệu tích cực trong thời gian tới.

Ở Ngư Lộc, tuyến đường hiếm hoi rộng nhất là trước khu vực UBND xã, còn lại là những con ngõ nhỏ rộng chừng 0,5-1 m, có nơi chỉ rộng bằng 1 sải tay người lớn. Phải vững tay lái lắm, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch xã Ngư Lộc mới điều khiển được chiếc xe gắn máy đưa chúng tôi thoát ra khỏi “mê cung” của những con ngõ nhỏ, tường bao, nhà ở san sát từ trung tâm xã tới khu vực chân đê - nơi chia ranh giới giữa đất liền và biển cả. Tại đây nhộn nhịp cảnh giao thương, buôn bán hải sản của một xã ven biển có mật độ dân số cao nhất cả nước.


Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là xã vùng bãi ngang, ven biển có mật độ dân số cao nhất cả nước

Theo đó, Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) là xã vùng bãi ngang, ven biển nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Thanh Hóa. Xã có tổng diện tích tự nhiên chỉ vỏn vẹn 93,59ha, với dân số hơn 19.000 người. Mật độ dân số ước tính khoảng 40.000 người/km2, cao nhất cả nước, gấp 17 lần Hà Nội, 9 lần so với TP. Hồ Chí Minh. Nơi đây có đường bờ biển dài 1,2km, hoàn toàn không có đất nông nghiệp, người dân chủ yếu sinh sống từ nguồn lợi tự nhiên từ biển, kinh tế dựa vào hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản.


Đất chật, người đông, những con ngõ nhỏ là đặc trưng của xã Ngư Lộc

Áp lực lên môi trường

Với đặc thù là xã ven biển lại có mật độ dân số cao kỷ lục, câu chuyện đông dân, đất chật và những hệ quả nhãn tiền trong đó có cả các vấn đề môi trường, nước thải đang trở thành những bài toán “hóc búa” đối với Ngư Lộc.

Thực tế, vùng biển Ngư Lộc đang có nguy cơ bị ô nhiễm nặng nề do mỗi ngày đều có một lượng rất lớn rác thải và nước thải của người dân đổ ra biển, ô nhiễm kéo theo nỗi lo về bệnh tật đối với người dân sống ở nơi đây. Vào mùa mưa bão, Ngư Lộc luôn tràn ngập rác thải, nước thải sản xuất và sinh hoạt.



Người dân Ngư Lộc đa phần sinh sống nhờ hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, khai thác, chế biến thủy hải sản

Theo thống kê của UBND xã Ngư Lộc, trung bình mỗi ngày chỉ riêng địa bàn xã đã thải ra môi trường biển khoảng 10 tấn rác thải, cùng với đó là khoảng hơn 1.000m3 nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt. Mặt khác, toàn xã có 212 phương tiện khai thác, thu hút trên 3.000 lao động trực tiếp, kéo theo đó là dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ thương mại phát triển, tạo nhiều việc làm cho người dân. Tuy nhiên, các nghề này sử dụng một lượng lớn túi nilông, bao bì, thùng xốp, chất rắn,... đựng các mặt hàng, do không có đất để quy hoạch thành bãi rác, nên toàn bộ số rác này đều được đổ xuống biển. Hàng trăm tấn rác thải dồn ứ chất thành đống dọc theo mép nước. Khối lượng rác thải tại vùng biển Ngư Lộc rất lớn và tăng liên tục trong các năm.


Rác thải trên bờ biển xã Ngư Lộc

Cùng với đó, xã Ngư Lộc có 4/7 thôn tiếp giáp với biển, hàng ngày, hoạt động khai thác, chế biến hản sản ở đây phát sinh một lượng rác thải lớn. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Quang: Do số lượng dân cư quá lớn, nên Ngư Lộc là một trong những điểm nóng về môi trường. Mỗi ngày trên địa bàn xã tổ thu gom và xử lý rác tiếp nhận khoảng 10 tấn rác thải. Số lượng rác thải thu gom và xử lý lớn như vậy nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để lượng rác thải của người dân địa phương xả ra môi trường.  


Vị trí địa lý dạng "lòng chảo" khiến Ngư Lộc hứng chịu nhiều rác thải từ biển dạt vào

Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn xã Ngư Lộc hiện có hơn 60 cơ sở kinh doanh và hộ gia đình chế biến hải sản. Nước thải từ các cơ sở chế biến hải sản thường được xả thẳng ra đường hoặc xuống các rãnh, cống thoát nước gần nhà. Lâu ngày nguồn nước này không thoát được trở nên đen kịt, hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.

Phát biểu tại hội nghị Tập huấn truyền thông phổ biến chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường tại xã Ngư Lộc ngày 30/8/2024, Bí thư Đảng ủy xã ông  Bùi Thế Sinh chia sẻ: Toàn bộ nước thải trong khu dân cư xã Ngư Lộc chảy qua 2 cống ngầm dưới đê thải trực tiếp ra biển không qua xử lý. Vấn đề này không những gây ô nhiễm môi trường biển mà còn ảnh hưởng phần nào đến năng suất nuôi trồng thủy sản gần bờ. Năm 2014, đã có một chương trình dự án lớn của nước ngoài đã về khảo sát đầu tư cải tạo hệ thống xử lý nước thải của Ngư Lộc và một số xã lân cận, song vì nhiều lý do dự án đã không thành công.



Cống nước thải chảy trực tiếp ra biển

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, mặc dù đã được các đoàn thể, chính quyền và người dân thường xuyên tổ chức thu gom, song dọc bờ biển xã Ngư Lộc vẫn còn ngổn ngang rác thải với những túi nilon, chai nhựa,… Cách đó không xa, cống nước thải chạy qua dưới chân đê lộ ra biển chừng hơn 10m, nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi được xả trực tiếp ra biển.

Nguyên nhân rác thải tồn đọng là do đặc thù của bờ biển Ngư Lộc hình lòng chảo, nằm giữa hai cửa sông nên sau mỗi đợt thủy triều lại có một lượng lớn rác thải đổ vào. Bên cạnh đó, ý thức một số người dân còn hạn chế, chủ phương tiện đi tàu khai thác hải sản thường xả rác xuống biển, mỗi lần thuỷ triều lên rác tràn vào bờ, nhiều lượng rác chìm, ngầm phải sử dụng xe cơ giới để xúc lên, để xử lý triệt để là rất khó khăn.

Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng môi trường và vấn đề chất thải tại vùng ven biển Ngư Lộc. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là ý thức và thói quen xả rác của người dân. Nguyên nhân thứ hai là do đất chật người đông, nên Ngư Lộc không có quỹ đất để quy hoạch làm bãi đổ rác thải tập trung. Mặc dù chính quyền địa phương đã có quy định cấm đổ rác, nước thải sinh hoạt ra ngoài môi trường và biện pháp xử phạt hành chính, nhưng quỹ đất trống không có, dẫn đến một bộ phận người dân đổ rác ra biển. Thứ ba là do hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản hàng ngày đã thải ra một số lượng rác thải từ các loại phế phẩm rất lớn nhưng lại thiếu quy hoạch môi trường, không có các bãi rác tập trung, làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng trở nên nghiêm trọng. Các hoạt động sản xuất, chế biến đã thải ra một lượng lớn túi nilông, bao bì, thùng xốp, chất rắn đựng các mặt hàng và chính các loại hải sản dư thừa như: Vỏ tôm, cua, vỏ sò,... nhưng lại không có các bãi rác, nên rác đành phải đổ xuống biển.


Bình quân mỗi ngày 6 xã ven biển của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa): Hòa Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc phát sinh khoảng 42 tấn rác thải sinh hoạt, chiếm khoảng 1/2 tổng lượng rác thải toàn huyện. Đặc biệt, đây là nơi giao thoa giữa 2 cửa sông Lạch Sung và Lạch Trường nên hàng ngày một lượng lớn rác thải trôi dạt từ biển vào khiến cho vùng bờ ngập trong rác thải. Để khắc phục vấn đề này, Chính quyền địa phương đã thường xuyên tổ chức hoạt động thu gom rác thải bờ biển với quy mô hàng trăm người tham gia, tạo nhiều chuyển biến tích cực.

Nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường

Tháng 4/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1452/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung đô thị ven biển (Diêm Phố), huyện Hậu Lộc đến năm 2045. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã: Ngư Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc và Minh Lộc. Theo định hướng quy hoạch, đô thị có tính chất, chức năng là đô thị loại V, trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội với chức năng phát triển kinh tế biển, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Diện tích đô thị ven biển có quy mô lên tới 2.500ha, định hướng trở thành điểm nhấn không gian, trở thành động lực phát triển của địa phương.

Trong tương lai, đô thị ven biển (Diêm Phố) được quy hoạch phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Đô thị khi hình thành sẽ là giải pháp hiệu quả giúp giảm mật độ dân cư tại khu vực xã Ngư Lộc (làng biển Diêm Phố).


Nhiều hoạt động dọn vệ sinh môi trường tại Ngư Lộc

Trước mắt, để góp phần làm giảm lượng rác thải, xã Ngư Lộc đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường; huy động toàn dân tham gia dọn vệ sinh công cộng 2 lần mỗi tháng; kêu gọi xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển và phân loại rác thải; giáo dục bảo vệ môi trường cho người dân thông qua việc lồng ghép với sự kiện Tuần lễ biển và hải đảo, Ngày Môi trường thế giới, Ngày quốc tế đa dạng sinh học và hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”....

Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân cùng với hàng trăm người dân tham gia chiến dịch “Hành động vì môi trường xanh - sạch - đẹp”. Đáng chú ý, mỗi năm Đoàn thanh niên xã Ngư Lộc tổ chức 5- 6 lần tổ chức tổng vệ sinh tuyến đê, có những lần huy động được 400- 500 người tham gia.


Trao tặng thùng rác tại Ngư Lộc

Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền xã Ngư Lộc đã xây dựng kế hoạch, tổ chức cho người dân, hộ kinh doanh ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường trong sản xuất, chế biến hải sản; phát động nhân dân ra quân tổng vệ sinh môi trường. Đồng thời, xã cũng đã thành lập ban vệ sinh môi trường hàng ngày thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải ra nhà máy xử lý. Hơn 30 chiếc thùng rác đã được đặt dọc theo các tuyến đường, khu dân cư. Hàng trăm triệu đồng mỗi tháng vẫn đang được chính quyền, nhân dân xã Ngư Lộc đóng góp chi cho hoạt động xử lý, thu gom rác thải của địa phương. Đến nay, lượng rác phát sinh cơ bản đã được thu gom, xử lý, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể.


Nhiều mô hình bảo vệ môi trường được triển khai tại Ngư Lộc

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: Một trong những vấn đề cốt lõi để cải thiện chất lượng môi trường tại Ngư Lộc là phải làm tốt công truyền thông chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Hiện nay, chính quyền, các đoàn thể của xã luôn chú trọng vấn đề này, thông qua nhiều hình thức, phối hợp với các cơ quan chức năng để lồng ghép tuyên truyền. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã để nâng cao nhận thức của người dân. Tôi cũng mong muốn các ngành chức năng quan tâm hơn nữa đối với xã bãi ngang khó khăn như Ngư Lộc, đồng thời hỗ trợ kinh phí trong việc thu gom, vận chuyển rác thải cho địa phương.


Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc

Ngày 30/8/2024, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức hội nghị Tập huấn truyền thông phổ biến chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường tại xã Ngư Lộc. Tại hội nghị, Đoàn nghiên cứu đã tập huấn mô hình truyền thông với 2 chủ đề là: Chính sách pháp luật TN&MT về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật BVMT 2020 và Chính sách pháp luật về chủ quyền biển đảo. Chương trình đã thu hút đông đảo người dân xã Ngư Lộc cùng đại diện chính quyền địa phương tham gia lắng nghe, trao đổi, cập nhật những kiến thức, chính sách và pháp luật có liên quan.

Ông Hoàng Văn Kỳ, Chủ tịch MTTQ xã Ngư Lộc cho rằng: Sau khi tham gia buổi tập huấn, tôi đã nhận thức sâu sắc về chính sách và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân trong việc tuân thủ pháp luật tài nguyên và môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Giúp các cán bộ, hội viên, nhân dân có ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Văn Kỳ cũng đề xuất: Cần tăng cường công tác tập huấn pháp luật về tài nguyên và môi trường cho xã đất chật, người đông như xã Ngư Lộc. Do không có diện tích đất để tập kết, xử lý rác thải, nên mong các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ kinh phí trong việc thu gom, vận chuyển rác thải ra khỏi địa bàn xã, đảm bảo công tác môi trường.


Hội nghị Tập huấn truyền thông phổ biến chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường do Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức đã đem lại hiệu quả thiết thực

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngư Lộc, chị Triệu Tuyết Mai cho biết: Buổi tập huấn thật sự có ý nghĩa, thiết thực, đã giúp tôi và các hội viên nhận thức được “Rác là tài nguyên”. Thông qua hội nghị, tôi sẽ tuyên truyền cho các hội viên tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền về việc phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi nilon.

Có thể thấy, mật độ dân số cao cùng diện tích nhỏ hẹp đã tạo ra sức ép vô cùng lớn đối với môi trường của xã Ngư Lộc, đe dọa trực tiếp môi trường biển, sức khỏe, đời sống nhân dân. Song với nỗ lực của đoàn thể, chính quyền và nhân dân đối với việc nâng cao ý thức trách nhiệm công tác bảo vệ môi trường, thực thiện tuyên truyền chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường một cách thiết thực, hiệu quả, đi sâu vào thực tiễn đã giúp cho môi trường ở Ngư Lộc trong thời gian qua đã được cải thiện đáng kể. Bao đời gắn bó và phát triển kinh tế từ biển, hơn lúc nào hết, người dân Ngư Lộc hiểu rõ, bảo vệ biển, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của mình và cộng đồng.

Hoàng Anh

Gửi Bình Luận

code

Tin liên quan

Tin tức

Thủ tướng: Chống chạy chọt, lợi ích cá nhân trong tinh gọn bộ máy

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy gửi thư chúc mừng ngày truyền thống Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai ‘Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ’ 

Thông cáo báo chí Chương trình phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tài nguyên

Việt Nam - Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bổ cập nước dưới đất

Bộ TN&MT phổ biến Luật Đất đai 2024 cho toàn ngành Tòa án Nhân dân

Thanh Hóa: Tạm dừng khai thác khoáng sản tại 3 dự án xây dựng công trình

TP. Vũng Tàu: Rà soát, kiểm tra vi phạm về đất đai

Môi trường

Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường 2024”: Lan tỏa sáng kiến xanh, bảo vệ môi trường

Kết nối các Vườn Di sản ASEAN: Hành trình bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam

Ninh Thuận: Ra quân thu dọn hàng trăm khối rác thải ở đầm Nại

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ động xử lý sạt lở bờ biển ở huyện Bình Sơn

Video

Nâng cao công tác quản lý nhà nước về môi trường và hỗ trợ các doanh nghiệp

Phụ nữ tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero

Dương Kinh (Hải Phòng): Đi tìm lời giải trong việc thu hồi đất tại phường Hòa Nghĩa

Khoa học

Giải pháp thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Ứng dụng công nghệ khoáng, vi sinh và nước xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi

Đánh giá ảnh hưởng môi trường của một số ao nuôi tôm khu vực phía Nam huyện Nhà Bè

Khảo sát quá trình lên men nghệ mật ong ở một số môi trường khác nhau

Chính sách

Từ 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm

Vi phạm hành chính lĩnh vực khí tượng thủy văn bị phạt tới 100 triệu đồng

Phấn đấu đến 2030, mở rộng diện tích, thành lập mới, quản lý hiệu quả 27 khu bảo tồn biển

Giải pháp trọng tâm đẩy mạnh tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

Phát triển

“Nhà của ông già Noel” bất ngờ xuất hiện tại khu đô thị của nhà sáng lập Ecopark

Supe Lâm Thao tổ chức Chương trình trồng hoa mừng xuân Ất Tỵ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Công ty CP Than Hà Tu: Đẩy mạnh hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024

Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV: Sơ kết công tác sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm

Diễn đàn

Tin Gió mùa Đông Bắc tăng cường ngày 13/12: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại

Thời tiết ngày 12/12: Bắc Bộ trời rét, vùng núi rét đậm

Tin mới nhất về Gió mùa Đông Bắc ngày 12/12

Thời tiết ngày 11/12: Miền Bắc chiều tối rét đậm kèm mưa

Kinh tế xanh

Cam 3T Farm Cao Phong: Mô hình tiêu biểu trong xây dựng thương hiệu nông sản và chuyển đổi số

Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024 “Cần ưu tiên 4 con đường chính"

Organic Green Nut - Đậu phụ Quê Mình: Đem nông sản Việt chất lượng cho người Việt

Miến Dong sạch Trung Kiên: Sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường