Bài 3: Phân định rõ các loại khoáng sản theo công dụng, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý
10/09/2024TN&MTDự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Sau Kỳ họp thứ 7, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động đóng góp hoàn thiện dự thảo luật. Một trong những nội dung còn có ý kiến các nhau là quy định về phân nhóm khoáng sản (Điều 7) đã được xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại Phiên họp tháng 8).
Cho ý kiến về nội dung này, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần phân định rõ các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý và tránh tạo kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến những sai phạm, thất thoát và lãng phí; Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện nay; đề nghị quy định cụ thể danh mục khoáng sản theo nhóm kèm theo dự thảo Luật. Phóng viên Tạp chí TN&MT xin lược ghi và giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này sau đây:
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính và khắc phục được việc khan hiếm vật liệu để phục vụ cho các công trình cao tốc, công trình trọng điểm quốc gia.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, nếu quy định quá thông thoáng, dễ dẫn tới lạm dụng, do vậy cần có biện pháp để quản lý. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc nếu đưa các loại đất sét vào khoáng sản nhóm IV, thì cần phải phân loại, bởi có loại đất sét có giá trị kinh tế rất cao (đất sét để làm gốm sứ giá trị còn cao hơn cả than), nếu không quản lý đất sét dễ bị trà trộn, dễ bị lợi dụng. Do vậy, trong các loại sét, cần phân loại đất sét có giá trị kinh tế cao cần được xếp vào loại khác, còn những loại sét thông thường có thể xếp vào nhóm IV.
Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội cũng chỉ ra tồn tại, đó là theo quy định các dự án bất động sản phải phù hợp với quy hoạch, nhưng không biết rõ nội dung nào của quy hoạch. Trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản vẫn có yêu cầu khoáng sản nhóm 4 phải phù hợp với quy hoạch tỉnh. Vì vậy, để quá trình tổ chức triển khai thực hiện không phát sinh vướng mắc, cần làm rõ nội dung phù hợp quy hoạch tỉnh là nội dung nào.
Cũng liên quan đến quy định về phân loại khoáng sản, một số đại biểu đề nghị xem lại quy định xếp nước khoáng chung nhóm khoáng sản với kim loại quý, đá quý (khoáng sản nhóm I) để tạo điều kiện cho người dân khai thác nguồn nước nóng thiên nhiên thu hút du lịch, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Có ý kiến đề nghị việc khai thác cát chỉ để san lấp thì đưa vào nhóm IV và thực hiện đăng ký khai thác, tránh lẫn lộn giữa nhóm IV và các nhóm I, II.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh: Đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy định và việc phân nhóm khoáng sản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã đề nghị xây dựng nhóm khoáng sản đặc thù bô xít, titan và có chính sách riêng phù hợp với điều kiện hiện nay; các loại khoáng sản đặc thù như bô xít, titan phân bố quá rộng tại các địa phương nên phải dừng dự án, dẫn đến địa phương không có cơ hội để phát triển.
Dự thảo luật phân loại dựa theo công dụng và mục đích quản lý đối với 4 nhóm khoáng sản, tuy nhiên, sự phân định rành mạch của 4 nhóm có liên quan đến quy hoạch khoáng sản và đặt ra một số vấn đề. Vì vậy, cần đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện theo nhu cầu và tiến bộ khoa học, công nghệ phát triển và dự lường trong tương lai để phân nhóm khoáng sản thành 4 nhóm. Bởi trong 4 nhóm khoáng sản có cơ chế quản lý khác nhau; khoáng sản nhóm II, nhóm III, nhóm IV đều có thể làm vật liệu xây dựng. Trong trường hợp khoáng sản nhóm III, nhóm IV muốn được sử dụng như nhóm II, việc quản lý sẽ như thế nào? Vì vậy, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu việc phân loại như dự thảo luật có tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Cách tiếp cận trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản là phân nhóm khoáng sản dựa trên công dụng và mục đích quản lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, phân loại theo công dụng của khoáng sản đã rất rõ, tuy nhiên phân loại theo mục đích quản lý rất quan trọng.
Mục đích quản lý này là tùy từng giai đoạn có mục đích có thay đổi. Có thể có giai đoạn khoáng sản này rất nhiều thì mục đích quản lý nhẹ nhưng đến khi hiếm nên quản lý nặng thêm. Tôi rất thống nhất giao cho Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với yêu cầu quản lý của từng thời kỳ và thiết kế trong luật theo hướng như vậy.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, quy định chặt chẽ hơn, có chế tài quản lý sản lượng khai thác khoáng sản, không để xảy ra thất thu ngân sách khi quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Việc phân loại các nhóm khoáng sản phải trên cơ sở cả về công dụng, mục đích quản lý và về giá trị sử dụng, không chỉ phân ra các nhóm mà ngay trong từng nhóm cũng phải có phân loại cụ thể, nhất là các khoáng sản đa mục đích và khoáng sản có nhiều công năng sử dụng.
Về quy định tại Điều 7 Chương VI: Phân nhóm khoáng sản là một trong những điểm mới và là cơ sở khoa học xuyên suốt cho việc xây dựng nội dung các chương, điều, khoản của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, đối với khoáng sản nhóm II (điểm b, khoản 1) bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng cần chính xác để phù hợp với Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Về quy định phân nhóm khoáng sản cần lưu ý các vấn đề liên quan đến một số khoáng sản như: Than, quặng phóng xạ, titan, bauxit và mối quan hệ giữa than, dầu và khí, đá phiến.
Xuân Thành (lược ghi)