Bài 2: Nghiên cứu khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường và hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững kinh tế biển
06/10/2024TN&MTTheo báo cáo của Phòng Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo về một số kết quửa bước đầu thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 cho thấy, một số chỉ tiêu đặt ra chưa đạt như kỳ vọng, trong đó có công tác nghiên cứu khoa học biển: Chưa có những cơ sở nghiên cứu khoa học biển mạnh; năng lực nghiên cứu còn khiêm tốn, trình độ hạn chế so với các nước phát triển trên thế giới; hệ thống cơ sở nghiên cứu và đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển thiếu, yếu.
Những cơ sở nghiên cứu khoa học về biển vẫn chưa đủ mạnh
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/6/2020 phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030. Triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển”, Chương trình KC.09/16-20 đã tổ chức được 41 đề tài và giao cho các đơn vị nghiên cứu thuộc các bộ, ngành triển khai thực hiện. Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 tập trung nghiên cứu về phát triển bền vững kinh tế biển, hải đảo và ứng dụng, chuyển giao công nghệ.
Để tăng cường công tác điều tra cơ bản biển và hải đảo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 (Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/01/2020), theo đó các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản phải mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng, đa mục tiêu, có tính kế thừa, phát triển, gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu khoa học và được Nhà nước quản lý thống nhất. Bước đầu, chúng ta đã đánh giá được nguồn lợi hải sản theo các tầng tại vùng biển ven bờ; đánh giá được hiện trạng đa dạng sinh học của hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi bồi, cửa sông, đầm phá; xây dựng bộ bản đồ về hiện trạng phân bố hệ sinh thái rừng ngập mặn, đầm phá ven biển; phân bố cỏ biển cho các tiểu vùng; phân bố cỏ biển tại các vùng khảo sát; phân bố nguồn lợi hải sản tầng đáy tỷ lệ 1:500.000 - 1:2.000.000; đã lập quy hoạch chi tiết 7 khu bảo tồn biển (КВТВ).
Vùng biển ven bờ Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện thủy triều, điện sóng, điện mặt trời,... Tổng tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là khoảng 160 GW. Một số vùng biển có tiềm năng điện gió lớn là Quảng Ninh (11 GW), Hà Tĩnh (4,4 GW), Ninh Thuận (25 GW), Bình Thuận (42 GW) và Trà Vinh (20 GW). Tính đến năm 2022, tổng số dự án đăng ký phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi ở các tỉnh ven biển là 96 dự án, với tổng công suất 156.286 MW. Số lượng dự án tập trung cao ở các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Bộ TN&MT đang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, điều tra để có cơ sở thực hiện các dự án, đề án về điện gió và khai thác cát biển.
Để phát triển khoa học công nghệ, nước ta đã đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ biển. Ký biên thỏa thuận với các tổ chức quốc tế (như Tổ chức các đối tác Biển Đông Á PEMSEA; Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á COBSEA) về việc thực hiện các dự án tăng cường thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á (giai đoạn 2); phối hợp xây dựng và thực hiện Dự án “Thực hiện Kế hoạch hành động đảo ngược xu thế suy thoái môi trường Biển Đông và vịnh Thái Lan”. Việt Nam đã tham gia Tiểu ban Khoa học và Công nghệ biển thuộc Ủy ban Khoa học Công nghệ ASEAN (ASEAN- COST). Triển khai thực hiện một số chương trình hợp tác đa phương trong lĩnh vực hàng hải.
Nhìn chung khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực biển chưa thực sự là những nhân tố then chốt để phát triển bền vững kinh tế biển. Các công trình nghiên cứu có chất lượng cao còn ít. Phương tiện và trang thiết bị khảo sát còn thiếu, lạc hậu; hệ thống chuỗi số liệu khảo sát còn thiếu, chưa đồng bộ. Chưa có những cơ sở nghiên cứu khoa học biển mạnh; năng lực nghiên cứu còn khiêm tốn, trình độ hạn chế so với các nước phát triển trên thế giới. Hệ thống cơ sở nghiên cứu và đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển thiếu, yếu.
Các nghiên cứu, điều tra cơ bản để xác lập các luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng, lợi thế về biển và chủ động ứng phó/thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn hạn chế và nguồn lực dành cho công tác này chưa tương xứng.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho rằng, các chương trình, nhiệm vụ, đề tài KH&CN các cấp đã góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý tổng hợp biển và hải đảo, góp phần cung cấp cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý biển và hải đảo.
Cùng với đó, góp phần phát hiện và làm rõ các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên, cấu trúc địa chất bờ biển, đáy biển và các đảo, đánh giá được tiềm năng, trữ lượng khoáng sản, tài nguyên sinh vật biển. Đồng thời, từng bước đẩy mạnh triển khai ứng dụng các tiến bộ, thành tựu KH&CN để khai thác hiệu quả, tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên biển và ngăn ngừa, phòng tránh thiên tai.
Nhưng đã chủ động kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển
Cũng theo báo cáo của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, chất lượng nước biển ven bờ Việt Nam nhìn chung còn khá tốt với hầu hết các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10: 2023/BTNMT; một số thông số ô nhiễm bao gồm dầu mỡ, chất hữu cơ, chất lơ lửng,... được phát hiện vượt giới hạn cho phép ở một số khu vực biển, song chỉ mang tính thời điểm. Chất lượng môi trường nước biển xa bờ ở các vùng biển được đánh giá là tốt, các chỉ số cơ bản đều nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN 10: 2023/BTNMT. Tại các khu vực đang khai thác dầu khí, chất lượng môi trường nước biển cũng chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm, các thông số kim loại và dầu trong nước biển đều nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN 10:2023/BTNMT.
Cục Viễn thám Quốc gia và Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã nghiên cứu thành công mô hình phát hiện rác thải nhựa ven biển sử dụng ảnh máy bay không người lái và mạng nơ-ron tích chập sâu để giám sát tự động và đánh giá mối đe dọa môi trường từ các mảnh rác thải biển.
Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy phương pháp này có thể phát hiện chính xác ngay cả những đám rác thải nhựa nhỏ trôi nổi ở những vùng nước ven biển, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian cũng như công sức dò tìm rác thải và làm sạch bãi biển.
Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo (dựa trên cơ sở bộ chỉ số và việc đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo) đã được các địa phương tích cực triển khai. Đặc biệt, một số địa phương đã tổ chức triển khai kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương với những giải pháp phù hợp với điều kiện trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang; kiểm soát nguồn thải ra biển bởi các hoạt động từ đất liền (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang).
Hầu hết các địa phương đã thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, triển khai Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu theo Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 17/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, chủ động triển khai xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại các cơ sở trên địa bàn.
Bộ TN&MT, với chức năng, nhiệm vụ được giao, để đảm bảo nâng cao khả năng tổ chức thực hiện công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Bộ TN&MT đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng:
Ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BTNMT ngày 30/12/2020 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển toàn diện ngành khí tượng thủy văn Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện cho sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai nhất là trong công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, Bộ TN&MT sẽ tập trung tăng cường công nghệ dự báo bão của Việt Nam; tăng cường mật độ trạm quan trắc trên biển, số liệu bão trên biển; tăng cường các trạm đo mưa tự động trên khu vực có địa hình phức tạp; tăng cường khai thác thông tin dữ liệu từ các trạm quan trắc cao không, ra đa.
Song song với đó, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020); Quy định dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021).
Hệ thống mạng lưới quan trắc, giám sát môi trường biển đang được nghiên cứu, xây dựng để tích hợp vào hệ thống mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hệ thống báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã bắt đầu được hình thành.
Ở Trung ương, Viện Vật lý địa cầu phụ trách việc phát bản tin cảnh báo sóng thần đến các cơ quan liên quan đồng thời kích hoạt hệ thống các trạm trực canh để cảnh báo cho người dân khi có khả năng xảy ra sóng thần.
Ở các địa phương có biển từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã kích hoạt hệ thống trạm trực canh để hướng dẫn cho người dân ứng phó với sóng thần, áp thấp nhiệt đới, bão và các loại hình thiên tai khác phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Nhanh chóng hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Đây là các công cụ quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển theo hướng phát triển bền vững: Để quản lý hiệu quả các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo, Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương có biển tổ chức rà soát các văn bản pháp luật, chính sách khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, các công cụ quản lý. Bộ TN&MT đang trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định lấn biển; đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bất cập, tạo cơ sở pháp lý phù hợp với thực tiễn để vận hành hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế biển.
Bộ TN&MT xác định, Quy hoạch không gian biển quốc gia là công cụ pháp lý hết sức quan trọng trong việc phát triển bền vững kinh tế biển. Lập Quy hoạch không gian biển quốc gia là nhiệm vụ rất lớn, phức tạp, đa ngành, đa lĩnh vực, lần đầu tiên được thực hiện. Quy hoạch tổng thể quốc gia, đòi hỏi rất nhiều thông tin dữ liệu đầu vào, như: số liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, thiên nhiên; số liệu quy hoạch của các ngành kinh tế biển; nhu cầu sử dụng biển,...trong khi hiện nay, số liệu điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển còn rất thiếu. Đứng trước khó khăn, thách thức đó, Bộ TN&MT đã quyết liệt tập trung nguồn lực để lập Quy hoạch không gian biển quốc gia để Chính phủ trình Quốc hội thông qua tháng 6/2024.
Để giải quyết các vấn đề về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho rằng, các đơn vị liên quan, các Sở TN&MT địa phương cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo làm cơ sở cho các tỉnh triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung đánh giá, tổng kết thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế biển; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch.
Các nhà khoa học cho rằng, để trở thành quốc gia biển mạnh, Việt Nam cần tăng cường quản trị phát triển kinh tế biển đảo hiệu quả trên cơ sở khoa học và thể chế pháp luật. Về lâu dài, cần phải có giải pháp khôi phục chất lượng và số lượng các thành phần môi trường tự nhiên.
Minh Thảo