Bài 2: Cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, hệ thống bản đồ các tỷ lệ chi tiết, hiện đại để chủ động ứng phó thiên tai bất thường
01/11/2024TN&MTCác bộ, ngành liên quan cần thực hiện điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét ở tỷ lệ trung bình 1/50.000, tích hợp kết quả vào trong các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đồng thời, chủ động tìm khoanh định một số vị trí có thể di dời, sơ tán khi có thiên tai xảy ra.
PHÂN TÍCH VÀ NHẬN ĐỊNH
PGS.TS. Trần Tuấn Anh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam): Nhận diện hiện tượng bất thường dưới góc nhìn khoa học
Có thể nói, mùa mưa năm nay thiên tai địa chất sạt lở và lũ quét ảnh hưởng mạnh tới các tỉnh miền núi Tây Bắc, đặc biệt các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu. Hai tỉnh lân cận là Bắc Kạn và Hà Giang cũng có nguy cơ xảy ra các thiên tai địa chất. Các thiên tai này thường ập đến bất ngờ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Về mặt địa chất, phần lớn diện tích khu vực miền núi phía Bắc được cấu tạo bởi các loại đá cổ bị phong hóa mạnh. Lớp vỏ phong hóa như đất đạt độ sâu từ 15m-30m. Trong lớp vỏ này thường chứa các khoáng vật sét (nhất là monmorilonit) thay đổi đặc tính rất mạnh, đặc biệt là trương nở rất lớn khi có nước, quyết định đặc tính dễ biến dạng và tan rã của loại đất này.
Đặc biệt, mùa hè năm 2024, miền Bắc chịu một đợt nắng nóng kéo dài (từ tháng 4 đến tháng 7), cấu trúc của đất đã bị phá hủy đáng kể. Tiếp theo là các đợt mưa dài ngày liên tiếp của tháng 8 và đầu tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3, cấu trúc của đất vốn đã bị suy yếu gặp nước dễ dàng bão hòa và chảy nhão như bùn.
Các mái dốc ở miền núi trong điều kiện tự nhiên vốn ổn định. Nhưng khi gặp các điều kiện bất lợi kể trên, độ bền của đất suy giảm và nó sẽ sụp đổ vùi lấp tất cả mọi thứ ở dưới chân mái dốc.
Khi mái dốc cao, thể tích khối đất lớn bị sụp đổ gây hậu quả rất nghiêm trọng, nếu có nhiều mái dốc cùng sụp đổ ở một địa phương thì đó là một thảm họa do tai biến sạt lở gây ra.
Ngoài ra ở các tỉnh miền núi vào mùa mưa cũng thường xảy ra lũ quét. Theo thống kê, lũ quét thường xảy ra trong khoảng thời gian ngắn từ 40 phút tới 1 giờ 30 phút với sức tàn phá ghê gớm.
Lũ quét xảy ra khi tồn tại 2 yếu tố đồng thời: Tồn tại đất đá bở rời kém gắn kết trên đường đi của dòng chảy và xuất hiện dòng chảy với tốc độ đủ lớn để cuốn trôi những đất đá này theo. Như vậy, chỉ những lưu vực có lớp vỏ phong hóa và các thành tạo lở tích thì mới xuất hiện lũ quét.
Sau một đợt mưa kéo dài, đất đá ở sườn núi sạt lở xuống lòng suối, dồn ứ lại tạo thành đập tự nhiên, tạo thành hồ trên núi dẫn tới đất đá ở đáy và vách hồ bị ngâm nước dài ngày.
Khi tiếp tục có mưa dài, lượng nước tích tụ ngày càng nhiều gây vỡ đập, tạo dòng lũ với hỗn hợp nước, bùn, đá và cây cối chảy siết phá hủy tất cả những vật cản trên dường đi của dòng lũ. Khi gặp địa hình bằng phẳng hơn lòng dẫn mở rộng vận tốc dòng chảy suy giảm vật liệu đất đá sẽ tích đọng lại bao phủ lên toàn khu vực.
PGS. TS Nguyễn Châu Lân (Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải): Nhận định ban đầu về nguyên nhân thảm họa làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Trận lũ ống này không chỉ là hiện tượng đơn lẻ, mà đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, cụ thể có TP. Seoul, Hàn Quốc vào năm 2011.
Bước đầu chúng tôi xác định nguyên nhân gây nên thảm họa Làng Nủ là lũ bùn đá. Theo đó có tới 1,6 triệu m³ bùn đất, đá và nước xuất phát từ đỉnh núi Con Voi cách Làng Nủ 3,6km đã dội xuống thôn. Trong quá trình di chuyển khối đất đá đã bị tắc nghẽn tại một khu vực hẹp chỉ rộng khoảng 100m, cách điểm phát sinh sạt lở khoảng 2km. Vị trí này vô tình tạo thành một đập chắn tự nhiên, làm tăng nguy cơ vỡ lũ. Thời điểm xảy ra lũ, lượng mưa tại khu vực rất lớn, với tổng lượng mưa tích lũy lên tới 633mm, trong đó lượng mưa theo giờ đạt 57mm, khiến khối lũ bùn đá di chuyển cực kỳ nhanh.
Các nhà khoa học sử dụng mô hình 3D kết hợp dữ liệu thực địa và ảnh vệ tinh để tính toán, đã xác định, dòng lũ chỉ mất khoảng 5 phút (300 giây) để từ đỉnh núi tràn xuống ngôi làng. Kết quả mô phỏng cho thấy chiều sâu tích tụ dòng bùn là 8 - 15m, nơi sâu nhất khoảng 18m, vận tốc dòng chảy rất lớn tới 20 m/giây. Do đó, thời gian chảy từ trên núi xuống (cho cả quãng đường 3,6 km) là khoảng 10 - 15 phút. Như vậy, nhiều khả năng ở khu vực đỉnh núi Con Voi đã phát sinh trượt lở ban đầu từ ngày 9/9 nhưng người dân ở thôn Làng Nủ chưa ai cảm nhận được sẽ có lũ bùn đá.
Do lượng mưa giờ và lượng mưa tích lũy trong 3 ngày bão Yagi quá lớn gây trượt lở khối lớn, tích tụ vật liệu vào đoạn co hẹp tạo đập tạm thời và vỡ, thời điểm khoảng 6h sáng 10/9. Đá phiến phong hóa mạnh, cường độ không cao và tầng phong hóa dày gây trượt lở khối lớn. Thời gian dòng lũ bùn đá tràn và mở rộng xuống vùng quạt bên dưới (phạm vi ảnh hưởng lớn nhất) nhanh. Vận tốc dòng chảy quá lớn, kèm bùn đá, đất gây phá hủy nhà cửa.
GỢI MỞ NHỮNG ĐỀ XUẤT
Ông Trương Quang Quý (Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng địa chất, Cục Địa chất Việt Nam): Cần chủ động ứng phó thiên tai bằng cách xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, thành lập hệ thống bản đồ các tỷ lệ.
Thực tế ở nước ta, khi thi công các tuyến đường giao thông cắt qua đồi núi đều làm mất chân sườn dốc tự nhiên, từ đó làm gia tăng khả năng xảy ra sạt lở đất đá. Khi thi công làm đường, đơn vị thi công hầu như chỉ tập trung làm đường còn việc gia cố hay khắc phục sạt lở đất ở ven đường chưa được tính toán kỹ. Nguyên nhân khác là độ rung mặt đất khi xe ôtô di chuyển trên đường, đặc biệt là các xe có tải trọng lớn, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến độ ổn định của các lớp đất đá ven đường.
Đề xuất giải pháp căn cơ, nước ta cần chủ động ứng phó thiên tai bằng cách xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, thành lập hệ thống bản đồ các tỷ lệ, từ đó khoanh định được các khu vực có rủi ro cao. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần sớm hoàn thiện hệ thống bản đồ cảnh báo quốc gia-một bản đồ chung và thống nhất cho cả nước, cụ thể chi tiết đến từng thôn, xã để các địa phương có căn cứ xây dựng phương án di dời, sắp xếp dân cư, triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Bản đồ chi tiết này cũng là cơ sở để xây dựng các bản đồ quy hoạch khác liên quan như quy hoạch khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện…) theo hướng lâu dài, ổn định. Cùng với đó, các địa phương cần chuyển từ tư duy “phòng, chống thiên tai” sang tư duy “phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai,” có ý thức về phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai trong từng hoạt động, từng dự án phát triển kinh tế - xã hội.
PGS.TS Trần Tân Văn, chuyên viên cao cấp về địa chất, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản: Cần liên tục nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc cảnh báo từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở.
Về nguyên lý, có ba yếu tố tự nhiên chính góp phần làm mất ổn định sườn dốc, gây trượt lở, lũ bùn đá là: hình thái sườn dốc, tính chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc và nước. Theo đó, một sườn dốc bị bão hòa nước sẽ trở nên kém ổn định gấp nhiều lần, gây nguy cơ trượt lở. Vì thế các nhà khoa học còn gọi nước là “kẻ thù của sườn dốc.”
Bên cạnh đó, các hoạt động nhân sinh như làm đường giao thông, hồ chứa, cắt chân sườn dốc lấy mặt bằng xây nhà cửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (chuyển từ rừng tự nhiên sang rừng sản xuất, sang các diện tích trồng cây công nghiệp...) đều làm thay đổi hình thái sườn dốc tự nhiên, tính chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc, tính thấm, khả năng thấm của nước vào trong sườn dốc...
Thông thường, ngành Giao thông Vận tải sẽ khảo sát, thiết kế và thi công các sườn dốc nhân tạo sao cho ổn định, thậm chí trong nhiều trường hợp, phải ổn định sườn dốc “nhân tạo” đó bằng phương pháp neo đất, neo đá, tường chắn, rọ đá... Tuy nhiên, những phương pháp này chưa đủ hiệu quả, vì thế trượt lở thường xuất hiện dọc các tuyến đường giao thông.
Với các địa phương có nguy cơ sạt lở, tôi cho rằng trước hết, các bộ, ngành liên quan cần thực hiện điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét ở tỷ lệ trung bình 1/50.000, tích hợp kết quả vào trong các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương này. Đồng thời, chủ động tìm trước một số vị trí có thể di dời, sơ tán khi có thiên tai xảy ra.
Việc điều tra hiện trạng, điều chỉnh kết quả phân vùng cảnh báo này sẽ phải cập nhật sau mỗi chu kỳ 3-5 năm. Đối với một số vị trí rất quan trọng như các công trình, dự án trọng điểm, khu dân cư lớn,... có thể xem xét lắp đặt một hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm.
Ngoài ra, cần nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng-thủy văn từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở; chú trọng vào công tác chuyển giao kết quả, hướng dẫn sử dụng kết quả xuống từng địa phương, tích hợp kết quả đó trong việc xây dựng và điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển các khu vực tập trung dân cư, các công trình trọng điểm, tìm kiếm các khu vực tương đối an toàn để di dời, sơ tán...
Được biết, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang triển khai thực hiện 2 Đề án "Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi và "Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam. Hiện tại, cơ sở dữ liệu về hiện trạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000 của 37 tỉnh miền núi và trung du Việt Nam vẫn chưa được đầy đủ. Dữ liệu chưa được chuẩn hóa, đồng bộ gây nhiều khó khăn cho công tác tổng hợp dữ liệu.
Đặc biệt, Bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra, phân vùng nguy cơ cho các khu vực trọng điểm như: số liệu địa hình ở tỷ lệ lớn (1:10.000, 1:5.000, 1:2.000) còn thiếu và chưa được cập nhật bổ sung; do đó, dẫn đến kết quả xử lý bị sai và thiếu. Bộ cơ sở dữ liệu về địa chất ở tỷ lệ trung bình (1:50.000) cũng vẫn còn thiếu rất nhiều và chưa được tiến hành điều tra chi tiết bổ sung; các tỷ lệ 1:10.000, 1:5.000 rất ít, hầu như chỉ có ở những khu vực điều tra, đánh giá các mỏ khoáng sản. Do đó, nước ta cần nhanh chóng xây dựng một Trung tâm cơ sở dữ liệu liên ngành về trượt lở đất đá; đầu tư kinh phí tiến hành các đề án, dự án về điều tra trượt lở đất đá ở các tỷ lệ lớn cho các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về trượt lở đất đá.
Diệp Anh - Sỹ Tùng (lược ghi)