Bắc Ninh: Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội
16/04/2024TN&MTLuật Đất đai năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua, với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 vào thực tiễn.
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch Triển khai thi hành Luật, theo đó cơ quan thường trực là Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng, từng bước gỡ nút thắt trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai; phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến tất cả lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị, địa phương, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; trưởng các phòng, ban chuyên môn và cán bộ chuyên trách về lĩnh vực quản lý đất đai trong tỉnh, bảo đảm tính thống nhất cao khi bắt tay triển khai thực hiện vào thực tiễn.
Yêu cầu đặt ra là xác định được các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành, nhận thức, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật. Vì vậy, các nội dung triển khai thi hành Luật được xây dựng khoa học và bài bản, trong đó đề cao công tác tập huấn, tuyên truyền đối với các bộ phận trực tiếp làm quản lý đất đai.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành thực hiện đo đạc, lập, chỉnh lý, quản lý bản đồ địa chính cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; công bố kết quả thống kê đất đai, kết quả kiểm kê đất đai theo quy định; tổ chức, thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, địa phương; hướng dẫn triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử về đất đai; xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai để đến năm 2025 kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Đặc biệt, Bắc Ninh đã chú ý rà soát hiện trạng sử dụng đất, lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất; theo dõi, đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai chung toàn tỉnh, bảo đảm tính pháp lý cao nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành chức năng tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết của Luật.
Để Luật Đất đai 2024 khi đi vào thực tiến triển khai sẽ sát với thực tiễn, phù hợp với tình hình địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh gửi danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các huyện, thị xã, thành phố cũng tiến hành thống kê, kiểm kê đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện báo cáo UBND tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương trong triển khai thi hành Luật theo đúng Kế hoạch của tỉnh. Kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc, tham mưu tỉnh phương án hướng dẫn giải quyết hoặc xem xét, quyết định.
Tại hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải nhấn mạnh: “Với những điểm mới, nổi bật về mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; quy định cụ thể trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất; bãi bỏ khung giá đất, bảng giá đất được xây dựng hằng năm; các phương pháp định giá đất sát thực tiễn; phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; quy định cụ thể việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất,… đề nghị các sở, ngành, địa phương phải bám sát các nội dung đó để áp dụng vào thực tiễn địa phương, đơn vị mình. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước hội nhập quốc tế sâu rộng".
Huy Thế