
Bắc Giang: Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi)
13/03/2023TN&MTMới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi). Một trong những kỳ vọng của việc góp ý sửa đổi lần này có thể giúp Bắc Giang tháo gỡ được phần nào khó khăn trong công tác quản lý đất đai tại địa phương. Tạp chí TN&MT điện tử đã tổng hợp và lược ghi lại một số ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, người dân địa phương như sau:
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Đề xuất thống nhất giữa khoản 1 và khoản 2, Điều 53 về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, trong đó nêu những quy định của việc chuyển nhượng đất theo hình thức phân lô, bán nền. Đề nghị bổ sung quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện vào dự thảo Luật Đất đai. Lý do là trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, việc đề xuất danh mục các dự án thu hút đầu tư, các dự án trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thường có sự biến động theo thời gian, vì vậy cần điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để đáp ứng các mục tiêu trên của tỉnh, huyện.
Đại diện doanh nghiệp Bất động sản tỉnh Bắc Giang: Đề xuất bổ sung điểm a, khoản 2, Điều 53 về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với dự án khu đô thị, khu nhà ở nội dung chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng,… theo quy hoạch chi tiết 1/500 đối với toàn bộ dự án hoặc theo phân kỳ thực hiện dự án được chấp thuận đầu tư. Lý do, trong thực tế dự án đầu tư thường được phân chia thành các giai đoạn thực hiện, nếu phải hoàn thành toàn bộ dự án mới đủ điều kiện chuyển nhượng sẽ khó khăn cho nhà đầu tư.
Người dân Bắc Giang góp ý cho dự thảo Luật
Phòng Tài nguyên và Môi trường Tp. Bắc Giang: Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đại diện đề nghị làm rõ điểm h, khoản 2, Điều 78 thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia công cộng có quy định trong dự thảo “Dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở”, đề nghị sửa thành “dự án đô thị mà mục đích, mục tiêu của dự án không hình thành loại đất ở”. Hoặc tại Điều 85 quy định việc quyết định thu hồi đất được thực hiện sau khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trong khi quy định tại Điều 109 về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ có quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi đất thì phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi và phải thực hiện bồi thường do chậm trả. Vì vậy, cần quy định thời hạn từ khi phê duyệt phương án bồi thường đến khi có quyết định thu hồi đất để tránh việc phê duyệt 2 nội dung này cách nhau quá xa, có thể dẫn tới trượt giá.
Ủy ban MTTQ huyện Việt Yên (Bắc Giang): Ủy ban MTTQ thị trấn đã tiếp nhận 25 ý kiến của cử tri và nhân dân, hầu hết các ý kiến đánh giá rất cao về bố cục Luật; nội dung Luật ngắn gọn, dễ hiểu, kết cấu chặt chẽ; ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu. Các vấn đề dự thảo Luật đề cập sửa đổi phù hợp với các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, các điều ước quốc tế.
Nhiều người dân Bắc Giang đang băn khoăn về việc hiện nay, trong 9 nhóm vấn đề Luật đề cập, sửa đổi, nhân dân quan tâm nhiều hơn đến nhóm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường tái định cư; bảng giá đất; hộ gia đình sử dụng đất. Đối với Điều 154 của dự thảo Luật quy định bảng giá đất hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ảnh đúng giá đất thị trường, gây thất thu ngân sách nhà nước và khiếu kiện khi nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị ban hành bảng giá đất định kỳ 05 năm, 03 năm hoặc 02 năm một lần và quy định thêm việc điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên. Đại đa số ý kiến cử tri thị trấn đề nghị nên để ở mức 01 năm ban hành giá đất 01 lần và quy định thêm việc điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động 20% trở lên.
Ngoài các tổ chức có liên quan, các cá nhân là người dân cũng nhiệt tình tham gia góp ý. Ông Trần Văn Song - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Minh cho biết: Tại điểm 2, Điều 143, Chương X điều chỉnh cấp cho mỗi người trong hộ 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp sử dụng chung là không cần thiết. Tại điểm 6, Điều 143 quy định về diện tích thực tế đất lớn hơn so với số liệu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng thì được xem xét điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn vấn đề ngược lại thì không được thể hiện trong dự thảo
Đồng thời, đối với điểm 4, Điều 166 cho thuê đất làm trụ sở nước ngoài không quá 99 năm theo Luật quốc tế là quá dài. Điểm 6, Điều 166 nêu thời hạn cho các công trình công cộng có mục đích không quá 70 năm cũng vậy, nên để thời gian 50 năm.
Tham gia ý kiến góp ý, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thượng Lan cho biết: Tại điểm c, khoản 2, Điều 162 quy định: Bộ TN&MT; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, tổ chức, hướng dẫn, triển khai dịch vụ công trực tuyến về đất đai, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối, liên thông theo quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị bổ sung liên quan đến dịch vụ công, liên thông thì tại Luật này cũng phải quy định cả trách nhiệm của Bộ tài chính và cụ thể là Tổng cục Thuế vào điều này; dịch vụ công về đất đai thường liên quan đến cả tài chính về đất đai.
Ngoài ra một số ý kiến góp ý về các vấn đề quy hoạch sử dụng đất, quyền thừa kế cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đất ở; quyền của người nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang: Tập trung lấy ý kiến đóng góp về bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và một số nội dung, cụ thể: Nội dung về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa (khoản 4, điều 49); bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (khoản 2, điều 89); mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử đụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (điều 171).
Về nội dung mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử đụng đất trồng lúa, nhiều đại biểu đề xuất Luật nên ưu tiên đất đai cho các tổ chức, đơn vị có nhà máy chế biến nông sản chuyên sâu, nhằm gia tăng giá trị cho nông sản.
Về hạn mức nhận chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp, các đại biểu đồng tình dự thảo Luật là không hạn chế đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng nên quy định rõ thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cấp huyện đối với hạn mức diện tích chuyển nhượng đất nông nghiệp.
Về nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Luật nên bổ sung thêm cơ quan tư vấn độc lập để tư vấn giá đất ở cho từng vùng, miền vụ thể để tạo sự công bằng cho người bị thu hồi đất. Luật nên bổ sung việc bồi thường là lấy đất hoặc lấy tiền theo nguyện vọng của người dân, quy định xây dựng mức giá đền bù và áp dụng theo từng năm. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng Luật nên quy định thêm về đất trang trại, bởi mô hình trang trại hiện đang rất phát triển, được nhà nước khuyến khích đầu tư và nêu định mức đất thổ cư cho mỗi hộ gia đình.
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở TN&MT tiếp thu các ý kiến đóng góp để giao bộ phận chuyên môn tổng hợp, hoàn thiện các nội dung góp ý. Đồng thời, đề nghị các tổ chức, cá nhân tiếp tục triển khai những cuộc hội thảo xin ý kiến góp ý, nghiêm túc sàng lọc, tổng hợp đề xuất, ý kiến đóng góp; có phân tích, đánh giá, so sánh thuyết phục. Các địa phương tiếp tục phân công cho mỗi đơn vị phụ trách có ý kiến gắn với thực tiễn công việc, nhiệm vụ chuyên môn để nâng cao chất lượng góp ý và tập hợp báo cáo cấp trên.
Diệp Anh (lược ghi)