An ninh nguồn nước vì sự phát triển bền vững
06/09/2021TN&MT
Cùng với an ninh môi trường (ANMT), an ninh nguồn nước tuy không còn là vấn đề mới mẻ, nhưng ở nước ta nhận thức về nó vẫn còn hạn chế. Nhiều vấn đề, từ đánh giá khoa học đến thực tiễn sử dụng nguồn nước vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo. Sự suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước, dùng nước lãng phí, xả thải nước chưa được xử lý… làm cho nguồn nước trên tất cả các hệ thống sông ngòi nội địa cạn kiệt, bị ô nhiễm đã và đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh nguồn nước.
Ảnh minh họa.
1. Năm 2007, lần đầu tiên Báo cáo Tầm nhìn môi trường toàn cầu GEO4 đề cập mạnh mẽ đến vấn đề an ninh môi trường (ANMT). Theo đó, Báo cáo cũng cho thấy an ninh nguồn nước đang bị đe dọa và là mối đe dọa hàng đầu trong hệ thống ANMT và là nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, an ninh xã hội, an ninh kinh tế và an ninh văn hóa. Từ đó, Báo cáo kêu gọi hãy tính đầy đủ đến ANMT, nhất là an ninh nguồn nước trong kịch bản tương lai của thế giới nếu lấy an ninh làm tiêu chí hàng đầu.
Hiện nay, tuy vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau nhưng nhìn chung các quan niệm về ANMT, an ninh nguồn nước đều cho rằng, môi trường xuống cấp, sự cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước cần phải được coi là cội nguồn của an ninh quốc gia và quốc tế. Sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái, ô nhiễm môi trường và những hiểm họa môi trường, nguồn nước có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh.
Ở Việt Nam, từ rất sớm Đảng và Chính phủ đã quan tâm đến lĩnh vực môi trường (trong đó bao hàm cả vấn đề nguồn nước). Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001-2010 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng thông qua đã khẳng định: “Bảo vệ và cải tạo môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, tăng cường quản lý Nhà nước đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người dân. Chủ động gắn kết môi trường trong mỗi quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển KT-XH, coi yêu cầu về môi trường là một tiêu chí quan trọng đánh giá các giải pháp phát triển” .
Tuy nhiên, phải đến năm 2010, vấn đề ANMT, an ninh nguồn nước mới được các nhà khoa học và cơ quan chức năng của nước ta đề cập tới trong các báo cáo trình Quốc hội, các diễn đàn lớn của Đảng và Chính phủ. Tại diễn đàn Quốc hội, Báo cáo về hiện trạng môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Quốc hội hàng năm vào năm 2010, lần đầu tiên nhấn mạnh đến ANMT, đồng thời đánh giá ANMT nước ta đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó, an ninh nguồn nước đang bị đe dọa nghiêm trọng, trở thành mối đe dọa hàng đầu và đang nổi lên như một hiện tượng bức bách của đời sống xã hội.
Từ “ngòi nổ” đó, đến Đại hội XI (tháng 1/2011), lần đầu tiên trong diễn đàn cao nhất của Đảng, vấn đề ANMT, an ninh nguồn nước được đề cập. Tham luận của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: “Ở tầm chiến lược, chúng ta cần nhận rõ vấn đề ANMT ở nước ta trước những đe dọa nghiêm trọng bởi các yếu tố như: Biến đổi khí hậu, sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, những mâu thuẫn phát sinh trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới và sự xâm hại của sinh vật ngoại lai. Ngoài ra, nguồn nước các dòng sông lớn bị khống chế từ nước ngoài, mức độ ô nhiễm các dòng sông tăng nhanh… đều tác động đến an ninh nguồn nước và hậu quả chưa thể lường hết được. Vì vậy, ANMT, an ninh nguồn nước nếu không được xử lý thỏa đáng sẽ gây tác động xấu đến mọi mặt KT-XH của đất nước”.
Tuy thuật ngữ ANMT, an ninh nguồn nước chưa được đưa vào các văn kiện Đại hội, nhưng với những ý kiến xác đáng, Đại hội xác định tầm quan trọng của vấn đề bảo về môi trường và nguồn nước, “vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững… Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững” . Theo đó, nhiệm vụ “bảo vệ môi trường” cùng với “ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên” được coi là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Phương hướng phát triển KT-XH 2011-2016 và Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 12/4/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011- 2020; ngày 5/9/2012 ban hành Quyết định số 1216/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đều nhấn mạnh: Bảo vệ môi trường, bảo vệ, khai thác hiệu quả và sử dụng bền vững tài nguyên nước là yêu cầu sống còn của nhân loại và mỗi quốc gia. Với các văn bản Chiến lược nêu trên, lần đầu tiên, Chính phủ đề cập đến vấn đề ANMT và bảo đảm “an ninh về nước”. Coi nước là tài sản quan trọng quốc gia, cần phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý tài nguyên nước.
Với sự nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng, năm 2012, Quốc hội ban hành Luật Tài nguyên nước; năm 2014 ban hành Luật Bảo vệ môi trường, và lần đầu tiên các khái niệm ANMT, an ninh về nước đã được luật hóa: “Là việc đảm bảo không có tác động lớn của môi trường, nguồn nước đến sự ổn định chính trị, xã hội, kinh tế của quốc gia”. ANMT, an ninh nguồn nước đã trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, luôn được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.
2. Mặc dù Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc phân bố trên khắp cả nước, nhưng các lưu vực sông lớn chủ yếu là sông liên quốc gia với đa số diện tích lưu vực ngoài lãnh thổ . Với đặc điểm đó, lượng nước mặt nội sinh tính trên đầu người của Việt Nam thấp hơn bình quân châu Á và chưa bằng một nửa bình quân thế giới; đồng thời, đang trên đà giảm mạnh về số lượng, chất lượng nguồn nước. Trữ lượng nước dưới đất tuy được đánh giá là phong phú nhưng do phân bố không đều trên lãnh thổ và sự khai thác chưa được tính toán đầy đủ, ảnh hưởng đến sự tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất cũng như chi phí khai thác tốn kém. Trong đà dân số tăng nhanh, nhu cầu tưới tiêu, phát triển đô thị và công nghiệp tăng mạnh làm cho nguồn nước không còn khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng và duy trì hệ sinh thái thủy sinh như trước đây.
Ở góc nhìn về quyền chủ động đối với nguồn nước, Việt Nam đang phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoài biên giới. Biến đổi khí hậu cùng với nhu cầu sử dụng nước của các quốc gia đều tăng mạnh, khiến các nước thượng nguồn gia tăng đắp đập giữ nước, chuyển nước sang các dòng sông khác của nước họ, gây nhiều vấn đề ực kỳ nhạy cảm trong quá trình sử dụng chung nguồn nước. Tình trạng đó cùng với nhu cầu khai thác sử dụng nước của nước ta thường vượt ngưỡng mức cho phép 30%: Miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên khai thác trên 30-50% lượng dòng chảy; riêng Ninh Thuận khai thác tới 70-80% nguồn nước là những thách thức lớn khi lượng nước mặt nội sinh ngày càng hạn chế.
Khai thác quá mức nguồn nước cùng với xây dựng ồ ạt và dày đặc những công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên tất cả các lưu vực sông làm chặn hoàn toàn dòng chảy là nguyên nhân làm suy giảm rõ rệt số lượng và chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn, gây ra nhiều “vấn đề lớn về môi trường”, tạo nên sức ép đối với nguồn nước. Điều đó, khiến Việt Nam mặc dù là một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc nhưng vẫn bị liệt vào nhóm quốc gia “thiếu nước”. Đây chinh là một nghịch lý.
Để khắc phục từng bước nghịch lý đó, cần phải “khai thác sử dụng bền vững nguồn nước, chủ động hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng nguồn nước xuyên quốc gia… Hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước tại các làng nghề, lưu vực sông, khu và cụm công nghiệp, khu đô thị và khu tập trung ở nông thôn”.
Với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng về cơ bản nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh vẫn được đáp ứng, nhất là việc tiếp cận nước sạch của người dân luôn được cải thiện, tăng từ 65% năm 2000 lên 95% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch tăng từ 82% năm 2015 lên 90% năm 2020; tương tự ở nông thôn, tỷ lệ này là 86% và 90,2%.
Đến năm 2020, trên 90% các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ tiếp cận dịch vụ vệ sinh cơ bản tăng từ 52% lên 84% trong cùng kỳ.
Trong tương lai, để thực hiện an ninh nước theo Chương trình quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025, đủ nguồn nước an toàn cho phát triển kinh tế và cho nhu cầu dân sinh cần khoảng 130-150 tỷ m3/năm, chiếm gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta (vào mùa khô khoảng gần 90%, tức là khoảng 170 tỷ m3), nguy cơ thiếu nước là rõ ràng. Nếu không được xử lý hài hòa sẽ tiếp tục gây ra nhiều mâu thuẫn và sự tranh chấp nguồn nước giữa các ngành, địa phương, giữa thượng nguồn và hạ lưu vực sử dụng chung nguồn nước trên các hệ thống sông, nhất là các dòng sông lớn bị khống chế nguồn nước từ nước ngoài sẽ trở nên gay gắt. Bên cạnh đó, mức độ ô nhiễm các dòng sông tăng nhanh, đều tác động đến an ninh nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến mọi mặt KT-XH của đất nước, thậm chí làm gia tăng bất đồng và các xung đột trong quá trình sử dụng chung nguồn nước.
3. Để khắc phục tình trạng nêu trên, đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam, cần tăng cường đồng bộ các biện pháp an ninh nước, tài nguyên nước được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.
Một là, tăng cường phổ biến, giáo dục cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của an ninh nguồn nước. Khẩn trương đưa chương trình nước sạch vào giáo dục học đường. Tuyên truyền, quán triệt mọi người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, giám sát, sử dụng nước nguồn nước đúng mục đích, hiệu quả; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức khoa học, tổ chức xã hội phối hợp, tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nước sạch và vệ sinh môi trường. Qua đó, mỗi người dân đều có thái độ ứng xử đúng đắn đối với yêu cầu an ninh nguồn nước trong bối cảnh hiện nay.
Hai là, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước trong công tác đầu tư và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý nguồn nước, nhất là công tác điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, nâng cao khả năng dự báo tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước,… và các tác hại khác do nước gây ra; quản lý công tác hỗ trợ phát triển nguồn nước và phát triển cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước, nhất là dự báo các kịch bản biến đổi khí hậu để kịp thời ứng phó với những vấn đề lớn về an ninh nguồn nước.
Ba là, tăng cường đầu tư hoạt động khoa học – công nghệ trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn nước, có chính sách điều tiết, ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để giải quyết nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện KT – XH khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ người dân tiếp cận nước sạch giữa các vùng trên cả nước.
Bốn là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong quản trị tài nguyên nước quốc gia, trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến xây dựng các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước; các hoạt động về bảo vệ nguồn tài nguyên nước, tạo ra nguồn nước ngọt, nước sạch, nước an toàn; bổ sung nhân tạo nước dưới đất, khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;… Để giảm tải gánh nặng trong điều kiện còn nhiều khó khăn nội tại của Nhà nước, cần có chính sách thích đáng huy động các tổ chức khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiêp ngoài công lập trong nước, phối hợp với các tổ chức chính phủ, phi chính phủ quốc tế tham gia. Thông qua đó, phát huy năng lực và trách nhiệm của cộng đồng, nhất là của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước. Trên thực tế, đã có nhiều hoạt động của các tổ chức khoa học – công nghệ đem lại kết quả tích cực, góp phần xây dựng ANMT, an ninh nguồn nước của đất nước. Mô hình hoạt động của Viện Dân số, Sức khỏe và Môi trường (PHASD) và Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam (VIWHA) là những điển hình trong thời gian qua.
BOX. Với những kết quả bước đầu của Dự án: Các hoạt động địa phương vì sức khẻo môi trường được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) triển khai từ năm 2017- 2022 tại các tỉnh: Hà Nam. Thanh Hóa, Hà Giang và An Giang, Viện PHAD đã phối hợp với Trung tâm Thông tin tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thành lập Liên minh Nước và Sức khỏe Việt Nam (VIWHA). IWHA đã có trên 50 thành viên tham gia, bao gồm: Các tổ chức, chuyên gia vận động chính sách về nước và sức khỏe; về giải pháp công nghệ xử lý cấp nước sạch và về cấp nước an toàn. VIWHA đã tổ chức các hoạt động: Tư vấn định hướng vận động chính sách; Xây dựng chương trình nước sạch/NUHĐ; Tư vấn lựa chọn các giải pháp công nghệ; Tư vấn xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn; Tư vấn lựa chọn các sáng kiến địa phương; Tổ chức truyền thông nâng cao năng lực về nước uống học đường; Huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng các trạm cấp nước sạch cho các trường học khó khăn miền núi dân tộc; Kết nối các tổ chức địa phương nhân rộng mô hình;… Hoạt động của VIWHA đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho cộng đồng, xã hội, nhất là những địa phương tham gia dự án. Nhiều mô hình trình diễn đạt hiệu quả thiết thực và có hiệu ứng lan tỏa cao trong cộng đồng, thu hút ngày càng đông đảo các tổ chức, thành viên là các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia.
TS. Nguyễn Thành Vinh, Tạp chí Tuyên giáo