An Giang: Nhiều kết quả quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường
12/01/2022TN&MTGặp khó khăn chung, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương và tỉnh, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) An Giang chủ động, nỗ lực triển khai hoàn thành nhiệm vụ theo nghị quyết, chương trình công tác năm 2021 đã đề ra.
Xây dựng công trình chống sạt lở bờ sông
Nổi bật nhất, đơn vị triển khai 5 phương án thuộc lĩnh vực ngành để tích hợp vào quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai; phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên; phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Trong công tác quản lý tài nguyên đất đai, An Giang triển khai lập kế hoạch sử dụng đất tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2025; phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030; ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư dự án, công trình trọng điểm tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh để phát triển hạ tầng đồng bộ, tạo quỹ đất sẵn sàng mời gọi đầu tư.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ngành ban hành kế hoạch triển khai Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020). Kịp thời công bố cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; đầu tư hệ thống quan trắc kiểm soát chất lượng môi trường nước tại các khu vực nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn, đầu tư 1 trạm quan trắc môi trường không khí tại TP. Long Xuyên. Tập trung nguồn lực để xử lý dứt điểm các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (trong đó có 3 bãi rác).
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được tăng cường. Việc khai thác được kiểm soát, đảm bảo môi trường, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Triển khai hiệu quả Đề án xây dựng hệ thống giám sát khai thác tài nguyên khoáng sản, lắp đặt thiết bị để theo dõi, giám sát phương tiện được cấp phép khai thác; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, giúp gia tăng nguồn thu ngân sách tỉnh. Tổ chức quản lý và triển khai thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; quản lý chặt chẽ việc khai thác nguồn nước ngầm, xả thải, đảm bảo nguồn nước mặt, nước ngầm về trữ lượng, kiểm soát tốt chất lượng nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Trong năm 2021, toàn ngành triển khai 256 cuộc kiểm tra về TN&MT với tổng số 1.504 tổ chức, cá nhân được kiểm tra. Qua đó, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với 80 trường hợp, số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017 của Chính phủ. Theo đánh giá của UBND tỉnh, từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP đến nay, việc ứng phó với BĐKH ở An Giang đã được thực hiện đồng bộ, tập trung hơn, mang lại nhiều kết quả tích cực. Các giải pháp tổng thể về quy hoạch, tổ chức không gian, cơ cấu kinh tế, liên kết vùng và huy động nguồn lực phát triển cho toàn bộ khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng đã được tổ chức một cách đồng bộ, mang tính chiến.
Nổi bật là, nhiều dự án liên kết An Giang - Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp đã và đang thực hiện, như: Dự án Tỉnh lộ 955A kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh An Giang - Kiên Giang (góp phần phát triển du lịch và đảm bảo an ninh biên giới); dự án nâng cấp, cải tạo tuyến kênh Vĩnh Tế (góp phần thông thương đường thủy giữa An Giang - Kiên Giang); dự án Tỉnh lộ 945 nối liền tỉnh An Giang - Kiên Giang đang thi công, sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Triển khai xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp (N1)…
Cùng với đó, tỉnh đã lồng ghép, tích hợp nội dung ứng phó BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Về chuyển đổi, tái cơ cấu, tăng cường thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2017-2020, tỉnh chuyển đổi từ trồng lúa sang rau, màu và cây ăn trái, tổng diện tích trên 25.000ha. Chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản được quy hoạch đến năm 2020 là 4.917ha (tăng 902ha so với hiện trạng) để hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản quy mô, áp dụng công nghệ cao.
Đồng thời, tập trung quy hoạch, sắp xếp dân cư, tích hợp đô thị ứng phó BĐKH; xây dựng, cải tạo 6 tuyến kè bảo vệ bờ sông với chiều dài 6.430m. Nâng cấp, sửa chữa 153km đê, kênh kiểm soát lũ thuộc chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh. Ngoài ra, tỉnh còn chủ động xây dựng hệ thống thủy lợi, các hồ chứa đa mục tiêu, hệ thống cấp nước thích ứng với BĐKH; bảo vệ phát triển rừng, phát triển năng lượng tái tạo…
An Giang đề xuất Trung ương sớm ban hành Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để các tỉnh có cơ sở triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh và là cơ sở triển khai các hoạt động liên kết vùng. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng ĐBSCL, tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng. Ưu tiên triển khai các giải pháp công trình, xây dựng cụm – tuyến dân cư, hồ trữ ngọt…