4 ngân hàng "ôm" tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp: MB "vô đối", cổ đông bất an
04/05/2023TN&MTThống kê từ báo cáo tài chính của gần 30 ngân hàng trên sàn chứng khoán cho thấy, MB, Techcombank, VPBank, TPBank và SHB là những nhà băng thuộc TOP 5 ngân hàng "ôm" nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất tính đến cuối quý I/2023.
4 ngân hàng "ôm" tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp: MB "vô đối"
MB là nhà băng đứng đầu hệ thống với giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ vào khoảng 2 tỷ USD.
Trong đó, chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành có giá trị trên 42.341 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Đây là các trái phiếu có kỳ hạn từ 33 tháng đến 15 năm và có lãi suất từ 3,79% đến 10,5%/năm. Ngoài ra, MB còn có hơn 3.100 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành (đến ngày đáo hạn) có kỳ hạn từ 4 năm đến 10 năm lãi suất từ 8,9% đến 10,5%/năm.
Mặc dù giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà MB nắm giữ đã giảm so với cuối năm 2022 song chưa có ngân hàng nào trở thành "đối thủ" của MB trong lĩnh vực này tính đến hết quý I/2023.
Trước đó, vào cuối năm 2022, với trái phiếu doanh nghiệp nắm trong tay của MB lên tới 46.000 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ so với cuối năm 2021, MB đã "vượt mặt" Techcombank trở thành quán quân về trái phiếu doanh nghiệp.
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng nắm giữ tại ngày 31/3/2023
Từ vị trí dẫn đầu với 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp Techcombank nắm giữ bất ngờ giảm sụt giảm gần 21.800 tỷ đồng, xuống chỉ còn 41.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022.
Chưa dừng lại, trong quý I/2023 Techcombank tiếp tục hạ số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ thêm hơn 3.200 tỷ đồng. Kết quả, khép lại quý I vừa qua, giá trị trái phiếu doanh nghiệp Techcombank nắm giữ chỉ còn gần 37.800 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD). Techcombank là ngân hàng thứ 2 sau MBBank "ôm" nhiều lượng trái phiếu doanh nghiệp.
Tương tự, dù giảm gần 4.700 tỷ đồng so với đầu năm song VPBank vẫn là nhà băng đang "ôm" cả tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối quý I/2023. Theo đó, VPBank tiếp tục đứng trong TOP 3.
Tăng lượng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022, TPBank cũng trở thành một trong 4 ngân hàng nắm tới gần 1 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, lượng trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2022 của TPBank đang đứng ở mức 21.600 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Tuy nhiên, TPBank quý I/2023 cũng không phải ngoại lệ khi lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ trong tay "hụt" hơn 1.100 tỷ đồng, về gần 20.500 tỷ đồng.
Nằm trong TOP 5 còn có SHB với hơn 13.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. SHB cũng là nhà băng duy nhất trong TOP 5 này gia tăng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp so với đầu năm (tăng 3,6%).
Biến động trái phiếu doanh nghiệp so với đầu năm
Ngân hàng Nhà nước "bật đèn xanh", các ngân hàng "không liều"
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN (Thông tư 03) quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11, Điều 4, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng, thông tư này sẽ mở ra khả năng mua lại trái phiếu cho các ngân hàng, giúp tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu vốn đang cạn cầu hiện nay.
Ông phân tích, các ngân hàng có thể mua lại trái phiếu đã phát hành trước đó để thanh khoản (trả nợ) cho cá nhân/ tổ chức có nhu cầu rút vốn trái phiếu đến hạn và trước hạn. Ngân hàng cũng có thể tiếp tục mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, qua đó cấp tín dụng cho doanh nghiệp (nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao). Ông Ngọc cũng lưu ý, không ngoại trừ cả các trường hợp đảo nợ cho khách cũ để tránh phát sinh nợ xấu ngân hàng khi doanh nghiệp không thể thanh toán được nợ trái phiếu đến hạn.
Thực tế, quý I/2023, sức cầu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào ngân hàng, trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân tháo chạy. Báo cáo của Bộ tài chính cho thấy, trong quý I/2023, nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99% bên mua, trong đó ngân hàng là 77%. Tuy vậy, nhìn chung sức mua thị trường èo uột, thị trường đang bị tắc ở khâu mua lại do ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết sau khi bán.
Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia VNDirect cũng cho rằng, với Thông tư 03, các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa.
Thông tư này một phần giúp tăng cầu trái phiếu, có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp như Techcombank, MB (9% tổng tín dụng), VPBank (8%).
Tuy nhiên, việc các ngân hàng này đầu tư cả tỷ USD vào trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó, cùng với sự khủng hoảng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã gây lo lắng, bất an cho cổ đông các ngân hàng này. Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 vừa qua của Techcombank, VPBank, SHB, hay MB đều "nóng" về vấn đề này trong phần chất vấn của cổ đông.
Chính vì vậy, dù Ngân hàng Nhà nước đã "bật đèn xanh", song các ngân hàng cũng sẽ rất thận trọng với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Chẳng hạn như tại ĐHĐCĐ của MB, nhiều cổ đông bày tỏ lo lắng, bất an khi MB nắm giữ quá nhiều trái phiếu bất động sản, tiềm ẩn rủi ro đối với ngân hàng. Các cổ đông yêu cầu hội đồng quản trị ngân hàng chỉ rõ quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu trong bối cảnh các nhà phát hành này đang có vấn đề về năng lực trả nợ.
Trấn an cổ đông, Phó Tổng Giám đốc thường trực Phạm Như Ánh cho biết, ngân hàng không sở hữu trái phiếu của Hưng Thịnh, Trung Nam. Riêng với Novaland, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, số dư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như hồi đầu năm. Tổng quy mô cho vay và đầu tư trái phiếu Novaland tại MB không đến con số 10.000 tỷ đồng.
Tương tự tại VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho hay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tại ngân hàng này chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 20.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2023.
Theo danviet.vn